Nắm giữ nhiều vai trò quan trọng nhưng gan lại rất dễ bị tổn thương. May mắn là cơ quan này có khả năng dự trữ và tự tái tạo đáng kinh ngạc mà không cơ quan nào trong cơ thể sánh được.
Đó là nhờ trong gan chứa một lượng lớn tế bào đang trong trạng thái chưa được kích hoạt. Khi gan bị tổn thương, các tế bào này được kích hoạt và phát triển để bù đắp vào phần bị mất. Ngoài ra, nghiên cứu từ các nhà khoa học cũng cho thấy mã thiết lập nên bộ gen của gan có một số gene đặc biệt có khả năng thúc đẩy quá trình tái sinh – có thể được kích hoạt khi một phần gan bị cắt bỏ.
Nhờ vậy, gan được coi là cơ quan duy nhất có thể tái sinh nếu như bị mất đi một phần. Trường hợp gan bị tổn thương dưới 25% thì nó có thể tái tạo hoàn toàn. Trường hợp gan bị tổn thương lớn hơn thì vẫn có khả năng tái tạo nhưng không đạt được kích thước như ban đầu. Nhưng điều này không có nghĩa là gan có thể chống lại bệnh tật. Ngược lại, khi bị tổn thương quá mức, bệnh tật tấn công thì khả năng tự tái tạo của gan sẽ suy yếu dần và có thể biến mất. Vì vậy, khi thấy “2 ngứa, 2 đỏ, 2 đau” này thì cần sớm đi thăm khám để cứu lấy lá gan của mình:
2 kiểu ngứa phổ biến khi mắc bệnh gan
Ngứa da và ngứa mắt bất thường là những kiểu ngứa phổ biến khi gan gặp vấn đề:
Ngứa da
Đây là triệu chứng đặc hiệu ở những người mắc bệnh về gan, nhất là ung thư gan và xơ gan. Do chức năng gan bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến việc lọc và đào thải độc tố của gan. Chất độc hại này tích tụ trong cơ thể, qua thời gian sẽ gây ra những biểu hiện bất thường là những nốt sẩn ngứa xuất hiện trên bề mặt da.
Điểm khác biệt của ngứa da do bệnh gan là đi kèm vàng da, ngứa dai dẳng và có thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ, không thuyên giảm khi dùng thuốc ngoài da.
Mắt khô và ngứa
Giống như ngứa da do bệnh gan, ngứa mắt do bệnh gan cũng có những đặc điểm riêng biệt để nhận biết. Triệu chứng ngứa ở mắt ở bệnh nhân ung thư gan sẽ đi cùng với khô mắt hoặc/và vàng mắt. Đồng thời, mắt cũng rất sợ bị ánh nắng kích thích, dễ chảy nước mắt. Vì vậy, nếu thấy các triệu chứng trên thì ngoài khám nhãn khoa cũng nên sớm đi khám gan để không bỏ lỡ thời gian điều trị.
2 kiểu đỏ bất thường chứng tỏ gan mắc bệnh
Nếu thấy 2 bộ phận này đỏ bất thường, tốt nhất nên đi khám gan sớm:
Lòng bàn tay mẩn đỏ
Hiện tượng này được gọi là “lòng bàn tay gan” với mẩn đỏ ở trung tâm lòng bàn tay hoặc toàn bộ lòng bàn tay. Lý do là chức năng gan suy giảm dần, khả năng vô hiệu hóa estrogen cũng giảm khiến các mao mạch bị vỡ và chảy máu, lâu dần khiến lòng bàn tay đỏ bừng.
Đồng thời, chức năng gan kém còn khiến những mạch ở bàn tay người bệnh có xu hướng giãn nở nhiều hơn và dẫn đến ửng đỏ lòng bàn tay. Một số người có thể bị nốt đỏ tròn, nhỏ hoặc các vệt đỏ như mạng nhện.
Biểu hiện trên bàn tay cho thấy dấu hiệu gan bị tổn thương.
Nước tiểu màu đỏ
Nhiều người không biết ung thư gan khiến nước tiểu chuyển màu vàng đậm tới đỏ nâu, nhất là ung thư hình thành từ viêm gan do virus.
Đó là do gan không thể chuyển hóa bilirubin khiến nó tích tụ trong máu quá nhiều, quá tải và phải bài tiết qua nước tiểu. Đi qua hệ bài tiết cùng các chất độc tích tụ, nước tiểu bị đổi màu bất thường như vàng đậm, đỏ nâu, nâu đậm hoặc thậm chí có trường hợp tiểu ra máu. Triệu chứng này thường đi cùng dấu hiệu nhiều bọt trong nước tiểu, nhưng cũng có thể là bệnh thận nên tốt nhất là đi khám sớm.
2 kiểu đau cho thấy gan bị tổn thương rất nặng
Do không có dây thần kinh cảm nhận đau, mà chỉ có một lớp nang giống như dây thần kinh, nên gan không có cảm giác đau rõ ràng, nhất là ở giai đoạn đầu bị tổn thương. Nhưng nếu thấy 3 kiểu đau này tức là gan đã tổn thương rất nặng, cần sớm đi điều trị:
Đau hạ sườn bên phải
Lý do là gan nằm ở hạ sườn phải nên bệnh gan có thể gây đau ở vùng này, mặc dù chúng không quá rõ ràng nhưng cũng là dấu hiệu quan trọng cảnh báo sớm các bệnh về gan. Cơn đau thường không đều và có thể trầm trọng hơn khi gắng sức, thay đổi tâm trạng hoặc uống rượu. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đau ở vùng này, đặc biệt là kèm theo buồn nôn, nôn, chán ăn và các triệu chứng khác thì nên đi khám gan ngay.
Đau vai
Rất nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng bệnh gan không gây ra cơn đau gan tại chỗ nhưng lại được phát hiện nhờ triệu chứng đau vai. Giữa gan và vai có các dây thần kinh kết nối nên một số bệnh về gan, nhất là khối u ác tính có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh này, gây ra cơn đau vai”.
Đặc điểm của cơn đau vai do bệnh gan thường không đều và có thể kèm theo cứng khớp và sưng tấy. Cơn đau cũng rõ ràng hơn khi bạn vận động gắng sức, uống nhiều bia rượu do lúc này gan đã tổn thương phải làm việc quá sức. Cơn đau vai kiểu này cũng thường chỉ ở một bên, đau âm ỉ và không thuyên giảm khi bạn cố tác động bằng biện pháp tác động tới cơ và xương như xoa bóp, dùng cao dầu…
Theo PNVN
https://phunuvietnam.vn/2-ngua-2-do-2-dau-cho-thay-gan-kiet-suc-vi-benh-tat-khong-the-tu-tai-tao-20240503215824538.htm