Khởi động mùa tuyển sinh đại học năm 2024, cùng với nhiều trường đại học và cao đẳng trên khắp cả nước, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cũng công bố phương án tuyển sinh với nhiều mã ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu người học và xu hướng nghề nghiệp.
Theo đó, với sứ mệnh trở thành trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, NEU đang nghiên cứu, dự kiến mở mới 5 ngành mới là Trí tuệ nhân tạo (AI), Khoa học dữ liệu, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm và An toàn thông tin.
Phát biểu tại Tọa đàm “Nhu cầu nhân lực các ngành đào tạo mới trình độ đại học dự kiến mở năm 2024” do chính trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, TS Lê Anh Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Nếu phát triển thành công 5 ngành này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thêm một lĩnh vực đào tạo nữa là Toán và thống kê, bổ sung vào 10 lĩnh vực hiện đang đào tạo của Nhà trường”.
Trước đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng tiên phong mở rất nhiều ngành mang tính liên ngành, xuyên ngành như Phân tích kinh doanh, Phân tích dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Kinh doanh số,….
Trong số 5 ngành mới này, ngành Trí tuệ nhân tạo có lẽ là ngành học thu hút được sự quan tâm của nhiều học sinh hơn cả. Bởi không chỉ năm nay, nó đã là ngành học “hot” và có điểm chuẩn đầu vào cao tại một số trường đại học trong những năm trở lại đây.
Với chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 120 đã bao gồm các chương trình Cử nhân, Kỹ sư và chương trình học 100% bằng tiếng Anh, ngành Trí tuệ nhân tạo ở ngôi trường kinh tế này hứa hẹn sẽ tạo ra màn cạnh tranh nảy lửa giữa các thí sinh có niềm đam mê với AI ở khu vực phía Bắc.
Ngành nghề “cung không đủ cầu” dù có lương khủng
Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực của khoa học máy tính tập trung vào việc tạo ra máy móc hoặc hệ thống có khả năng thực hiện các nhiệm vụ yêu cầu sự thông minh như con người. Đây cũng được xem là ngành trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy sự tiến bộ trong các lĩnh vực như y tế, công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục, tài chính, và nhiều lĩnh vực khác.
Với tầm ảnh hưởng đó, nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư tài năng thuộc ngành trí tuệ nhân tạo tăng lên gấp nhiều lần trong những năm qua. Không những vậy, đây còn là ngành nghề có thu nhập vô cùng hấp dẫn, nằm trong top 3 về thu nhập trong lĩnh lực vực công nghệ thông tin.
Theo thông tin mà bà Nguyễn Thu Giang, Phó giám đốc khu vực phía bắc Navigos Search chia sẻ tại sự kiện về công nghệ AI “Tech talks 2022: The future of now”, tại các thị trường vốn phát triển hơn về công nghệ AI như Mỹ, châu Âu, mức lương trung bình năm của một kỹ sư AI sẽ rơi vào khoảng 110.000 – 150.000 USD (khoảng 2,8 tỷ – 3,8 tỷ đồng). Ở Việt Nam, mức lương trung bình của kỹ sư AI khoảng 4.000 – 5.000 USD/tháng (khoàng 110 triệu – 127 triệu đồng). Thậm chí, có những nhân sự được trả tới mức 10.000 USD/tháng (hơn 254 triệu đồng) hoặc cao hơn tùy theo năng lực và kinh nghiệm trong quá trình làm việc.
Tuy nhiên, dù có mức thu nhập hấp dẫn như vậy nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường nhân lực lĩnh vực AI vẫn đang trong tình trạng khan hiếm nhân lực và việc đào tạo AI hiện nay chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng.
Theo số liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hiện khoảng 1600 người Việt đang nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến AI. Trong đó chỉ khoảng 700 người đang làm việc tại Việt Nam. Nếu tính theo số chuyên gia, con số này thậm chí còn ít hơn, chỉ khoảng 300 người.
Nguyên nhân của thực trạng này được ông Øyvind Forsbak, Giám đốc công nghệ (CTO) của Orient Software đưa ra là do hiện nay, các trường ĐH ở nước ta vẫn chưa có các ngành đào tạo chuyên sâu về AI, chỉ có một số lượng hạn chế các khóa học AI. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển sinh của những đơn vị đào tạo này cũng khá ít dẫn đến hiện tượng “cung không đủ cầu”.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Vũ – Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) – trong 10 năm tới, dự báo nhu cầu nhân sự lĩnh vực AI tăng 10 – 20% mỗi năm. Đến giai đoạn 2031-2035, chỉ riêng TP.HCM đã cần khoảng 18.000 người ở lĩnh vực này. Có thể thấy rằng ngành học này hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai, mở ra cơ hội nghề nghiệp mới và hấp dẫn đối với thế hệ trẻ.
Điểm chuẩn cực cao
Những mùa tuyển sinh gần đây, ngành Trí tuệ nhân tạo luôn nằm trong top ngành “hot”, có điểm chuẩn đầu vào rất cao. Ở một số trường đại học, nếu không thuộc diện ưu tiên, thí sinh phải đạt điểm trung bình mỗi môn gần 9 điểm mới trúng tuyển.
Cụ thể, năm 2023, điểm chuẩn ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến) tại trường Đại học bách khoa Hà Nội là 28,8 điểm (theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với tổ hợp A00, A01). Đây cũng là ngành có điểm trúng tuyển cao thứ 2 tại ngôi trường này, xếp sau ngành khoa học máy tính với điểm chuẩn 29,42 điểm. Trong khi đó ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lại soán ngôi ngành Kỹ thuật phần mềm để dẫn đầu với 27,8 điểm. Tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn ngành này là 27,2, cũng nằm trong top các ngành có điểm chuẩn cao nhất.
Đại học Bách khoa Hà Nội | Trường Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP.HCM | Trường Đại học Công nghiệp Hà nội | Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM | Trường ĐH Công nghệ – ĐHQG Hà Nội | |
---|---|---|---|---|---|
Năm 2022 | 22,68 | 28 | 24,55 | 26 | 27 |
Năm 2023 | 28,8 | 27,8 | 24,54 | 26 | 27,2 |
Ngoài 3 ngôi trường nói trên, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng là 2 cơ sở đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo uy tín có điểm chuẩn đầu vào ở mức cao.
Theo đó, điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là 24,54. Ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo (hệ đại trà) tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có điểm chuẩn là 26 điểm, không có biến động với năm trước đó.
Chương trình đào tạo của ngành học trí tuệ nhân tạo tại mỗi trường đại học sẽ có sự khác biệt, tùy vào định hướng lĩnh vực nghề nghiệp của từng đơn vị đào tạo. Do đó, học sinh nên xem xét kỹ về danh mục các môn học và chương trình giảng dạy trước khi đăng ký.
(Tổng hợp)
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/1-nganh-hoc-moi-toanh-o-neu-khat-hon-18-000-nhan-luc-trong-tuong-lai-ra-truong-nhan-muc-luong-110-trieu-ong-thang-trong-tam-tay-a421929.html