Theo báo cáo của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction – Mã: CTR) ghi nhận doanh thu tháng 4 đạt 984 tỷ đồng, l ợi nhuận trước thuế hơn 51 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 8% và 1% so với cùng kỳ 2023.
Luỹ kế 4 tháng, doanh thu đạt gần 3.608 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với 4 tháng đầu 2023 và thực hiện 29% kế hoạch năm 2024 (12.653 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế 4 tháng ước đạt gần 196 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ và cũng đạt 29% chỉ tiêu năm (671 tỷ).
Trong cơ cấu doanh thu, mảng vận hành khai thác đóng góp 52% vào tổng doanh thu 4 tháng với 1.888 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ 2023.
Đóng góp tỷ trọng lớn thứ hai là mảng xây lắp với 1.057 tỷ, tăng 19% so với 4 tháng đầu 2023. Lĩnh vực giải pháp và lĩnh vực kỹ thuật cùng hạ tầng cho thuê đóng góp lần lượt 450 tỷ và 181 tỷ doanh thu, cùng tăng 38% so với cùng kỳ.
68% doanh thu của Viettel Construction đến từ trong tập đoàn trong 4 tháng đầu năm. Còn 16% nguồn thu của tổng công ty đến từ thị trường nước ngoài.
Tổng công ty cho biết đã tham gia các gói thầu xây dựng lớn, trong đó trúng thầu dự án khách sạn nghỉ dưỡng bản Mòng tại Lào Cai với giá trị 181 tỷ đồng, dự án Trường học và Trạm y tế Hải Phòng giá trị 22 tỷ đồng,…
Mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 10% tới 2030
Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, chia sẻ về định hướng phát triển 5 năm tới, lãnh đạo ViettelConstruction thông tin tổng công ty đang xây dựng chiến lược đến 2030, quan điểm đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 10%.
Tăng trưởng sẽ đến từ tất cả lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực vận hành tăng trưởng trung bình khoảng 5% theo hạ tầng.
Lĩnh vực xây dựng tăng trưởng tốt hơn dựa trên thị trường xây dựng tiềm năng ở Việt Nam. Khi có uy tín thì công ty sẽ tăng được thị phần.
Lĩnh vực giải pháp kết hợp với xây dựng B2C tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh để cộng hưởng được tốt hơn. Mảng này sẽ tăng trưởng nhờ kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng lên.
Còn lĩnh vực đầu tư hạ tầng sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhờ mạng 5G. Các nhà mạng sẽ triển khai rất nhanh làm 5G để kinh doanh.
“Tông công ty nhìn thấy cơ hội 5 thậm chí 10 năm tới là câu chuyện 5G. Vì thế, Viettel Construction xác định đây là khoảng thời gian thách thức nhưng thú vị để tổng Công ty hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Viettel Construction sẽ phải đầu tư mạnh để chiếm lĩnh thị trường cho thuê, chúng tôi ưu tiên đầu tư hạ tầng trạm cho SG ngoài ra có thể đầu tư cả phần nguồn cho nhà trạm”, lãnh đạo chia sẻ tại buổi họp.
Hiện tại Viettel Construction sở hữu khoảng 6.989 trạm BTS, MobiFone sở hữu khoảng 15.000 trạm; Vinaphone cũng khoảng 15.000 trạm. Lãnh đạo tổng công ty cho biết: “Năm nay chúng tôi thêm 4.000 trạm là lên hơn 10.000 trạm bằng 2/3 số trạm của Vinaphone hoặc MobiFone. Khi có 5G bùng nổ,Viettel Construction có thể sở hữu tới 30.000 đến 50.000 trạm trong 5-10 năm tới”.
Năm 2024, Viettel Contructions lên kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 12.653 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 532 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 11% và 3% so với thực hiện 2023.
Cổ đông Viettel Construction đã thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 27,2% cho năm 2023, tương ứng với số tiền 311 tỷ. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, Viettel Construction dự kiến chia cổ tức 10 – 20%.
Giải đáp thắc mắc của cổ đông về việc không chia cổ tức năm 2024,do công ty tuân thủ theo một số quy định của pháp luật.
“Để có nguồn lực cho 5 năm tới, doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn, trong báo cáo của HĐQT chúng tôi cũng định hướng đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm nay.
Phương án tăng vốn cụ thể sẽ được báo cáo Đại hội sau khi có đầy đủ thông tin. Hiện nay, chúng tôi đang cân nhắc nhiều phương án tăng vốn, ưu tiên phương án nào đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông”, trích dẫn lời của lãnh đạo.