Ảnh minh họa
Nửa đêm, chuông điện thoại reo inh ỏi. Tôi giật mình bật dậy, lòng thắc thỏm những lo lắng. Những cuộc điện thoại vào giờ này thường là những chuyện vô cùng quan trọng. Là Khải, người bạn thân cùng quê. Ấn nút nghe, giọng Khải đã vang lên, dồn dập:
– Tính ơi, tìm được Thu rồi. Tao vừa nhận tin. Mày có thu xếp được để sáng mai đi cùng tao không.
Không kịp suy nghĩ, tôi đồng ý ngay lập tức. Mấy chục năm rồi, cuối cùng Khải cũng tìm được Thu. Làm sao tôi có thể vắng mặt trong thời khắc quan trọng ấy.
***
Nhà tôi và nhà Thu chỉ cách nhau một hàng rào dâm bụt, còn nhà Khải ở đầu làng. Học cùng lớp nhưng Khải lớn hơn tôi và Thu 2 tuổi. Do Khải là con trai duy nhất trong nhà, ngày nhỏ, Khải còi cọc nên bà nội và mẹ Khải xót cháu, xót con, chờ cứng cáp mới cho đi học. Khải trắng trẻo, học giỏi, lại được bà nội và mẹ chiều chuộng, quản lý gắt gao, hết giờ học là về nhà nên trở thành đối tượng bị bắt nạt. Những lúc ấy, tôi và Thu lại đứng ra bênh vực Khải. Chúng tôi thân nhau từ đấy. Thân lại càng thêm thân khi cả làng chỉ có 3 đứa ra huyện học lên cấp ba. Chuyện gì 3 đứa cũng chia sẻ cho nhau nhưng Thu và Khải thích nhau rồi yêu nhau từ lúc nào thì tôi không biết.
Mãi đến hôm chia tay Khải sang Liên Xô học, lúc mọi người đã về hết mà không thấy Thu, tôi quay lại giục Thu về vì biết Thu sợ ma, không dám đi một mình vào buổi tối. Nhìn Thu gục đầu trên vai Khải khóc sướt mướt, tôi lặng lẽ đi ra đầu ngõ đợi. Gần sáng mới thấy Thu ra, chẳng biết sương hay nước mắt ướt đẫm vạt áo. Thu im lặng chẳng nói gì. Tôi động viên Thu: “Khải là người hiền lành, chung thủy, chắc chắn anh ấy sẽ trở về, Thu cứ yên tâm học và đợi. Chơi thân với nhau, chúng mình còn lạ gì tính nết của nhau nữa. Vợ y tá, chồng kỹ sư, sau này danh giá nhất cái làng này. Nhưng nhớ chờ tôi đi bộ đội về hẵng cưới. Tôi chưa về mà cưới thì tôi bắt đền đãi tôi cỗ cưới đúng một tháng”. Thu bật cười, đấm nhẹ vào lưng tôi, khẽ bảo, “ông cũng định sẵn mối nào đi, đi bộ đội về chúng mình tổ chức chung cho vui. Rồi đẻ con cùng năm, lớn lên lại đi học chung cho có bạn có bè”. Tôi thở dài, hẹn thế nhưng chiến tranh, ai biết được ngày mai…
***
Tôi gặp Thu giữa chiến trường Tây Nguyên. Tôi bị thương trong một trận chiến giành lại cao điểm, phải đưa về trạm quân y để mổ lấy viên đạn ra khỏi chân. Người y tá chăm sóc tôi là Thu. Gặp lại người bạn thân sau mấy năm trời quần nhau với giặc, chẳng biết sống chết lúc nào, dù đã mấy lần được tuyên dương là trinh sát gan dạ, táo bạo, tôi vẫn không kìm được nước mắt. Thu cũng ôm chầm lấy tôi. Rừng thiêng, nước độc, thiếu thốn đủ thứ, lại đối diện với bom đạn nhưng Thu vẫn đẹp như hồi còn ở nhà. Chỉ có gầy đi và mái tóc hơi xơ vì không thể chăm sóc kỹ lưỡng. Các y bác sĩ ở trạm tưởng tôi là người yêu của Thu, dặn dò nhớ giữ cho kỹ, cô Thu là hoa khôi của cả trạm đấy. Các thương binh vào đây, đau đớn vì vết thương hành hạ, lắm lúc cáu gắt, chẳng chịu hợp tác, chỉ cần cô Thu dỗ dành là êm ngay. Các thương binh nhìn tôi với ánh mắt vừa ghen tị vừa ngưỡng mộ. Tôi định giải thích nhưng Thu gạt đi: “Cứ để mọi người nghĩ Tính là người yêu Thu cũng được, nếu Tính không ngại và không bị ảnh hưởng gì”. Tôi rụt rè hỏi tin tức của Khải. Như chạm phải những điều sâu kín chẳng thể giãi bày cùng ai, Thu quay đi giấu nước mắt, bờ vai run rẩy kìm những tiếng nấc.
Khải đi học đã mấy tháng mà Thu vẫn chẳng nhận được lá thư nào. Rồi một năm, hai năm, những lá thư vẫn bặt vô âm tín. Không một tin tức, không một lời nhắn nhủ. Chờ mãi, nhiều lần Thu định đánh bạo sang nhà Khải, lấy vai bạn thân hỏi thăm nhưng rồi lại không dám. Mẹ Khải kể với người làng, bóng gió xa xôi rằng Khải đã quen một cô bạn người Việt Nam cũng sang bên ấy du học. Tương lai của Khải rực rỡ như thế, chắc chắn phải lấy con nhà gia giáo, giàu có, chứ đâu phải ai muốn bước qua cửa nhà cũng được. Thu nghe mà chết lặng. Mỗi lần đi ngang qua bờ đê ngày nào còn ngồi sau xe Khải lên huyện học, Thu càng thấy tủi thân. Mấy đêm khóc cạn nước mắt, Thu quyết định viết đơn xung phong vào chiến trường dù rằng mới nhận quyết định phân công về công tác tại bệnh viện huyện.
Trong thời gian huấn luyện, tôi có nhận được thư Khải. Từ thâm tâm mình, tôi không tin Khải là người bội bạc và tham giàu sang phú quý. Trước khi lên đường sang Liên Xô, Khải đã định từ chối cơ hội đi học mà đòi viết đơn xung phong nhập ngũ. Nhưng Khải là con một, bố Khải là liệt sĩ, những giọt nước mắt của bà nội và của mẹ đã ngăn Khải lại. Các thầy cô cũng động viên Khải, học cũng là một nhiệm vụ. Đi học rồi trở về, đem kiến thức của mình phục vụ cuộc chiến đấu của đất nước và xa hơn nữa là xây dựng đất nước khi chiến tranh kết thúc. Trong thư gửi tôi, Khải nói nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ Thu. Khải chỉ có thể biến nỗi nhớ thành hành động bằng việc cắm đầu vào học để có thể về nước sớm chừng nào hay chừng đó, học để không thấy có lỗi với những người lính ở chiến trường. Có lẽ có sự hiểu lầm nào đấy.
Nghe tôi nói, Thu lặng im không đáp. Tận đến lúc vết thương lành hẳn, chia tay tôi để về đơn vị, Thu hẹn ngày chiến thắng trở về, sự thật có lẽ sẽ sáng tỏ. Còn bây giờ, giữa những mong manh của sự sống và cái chết, những hiểu lầm dù có hay không có lẽ cũng không còn quá quan trọng nữa.
***
Nhưng Thu chẳng thể chờ đến ngày chiến thắng để biết được sự thật. Khải cũng chẳng có cơ hội để giải thích cho người con gái mình thương. Ngày chiến thắng, tôi trở về, 3 đứa bạn thân còn lại 2. Hai thằng con trai thì lành lặn, khỏe mạnh, đứa con gái xinh đẹp, nhút nhát và sợ ma lại chẳng còn. Lời hẹn ở trạm quân y thay bằng tấm ảnh Thu chụp trước ngày xung phong vào chiến trường. Nụ cười mờ ảo sau khói nhang nghi ngút. Trạm quân y bị địch phát hiện, các y bác sĩ và thương binh bị địch sát hại hết. Lúc anh em tìm đến, cả trạm tan hoang, chẳng còn một ai sống sót. Không tìm thấy xác các cô y tá của trạm. Nỗi đau xót, căm phẫn trào lên trong lồng ngực những chàng trai mặt sạm đem vì khói súng. Cố không nghĩ đến nỗi đau đớn, tủi nhục mà những người con gái phải chịu trước khi chết mà sao những xa xót, cay đắng và uất hận vẫn cứ trào lên nhức nhối. Có cậu lính trẻ không kìm được, bật khóc.
Khải không lấy vợ. Mỗi năm, Khải dành thời gian nghỉ phép của mình, lần theo những lời tôi kể lại để đi tìm Thu. Khải bảo phải tìm bằng được Thu, đứng trước cô để giải thích rằng Khải không thay lòng. Anh cũng chẳng có bất cứ mối tình nào ngoài Thu. Những lá thư anh gửi về mẹ anh giấu đi hết. Nhà Thu nghèo, mẹ Thu lại mất sớm vì bệnh tật. Ai biết Thu có bị bệnh giống mẹ không. Đã thế, một đứa con gái thiếu vắng sự dạy dỗ của mẹ từ bé thì không thể đảm đang, tháo vát được. Để ngăn cản, mẹ Khải đã bịa ra chuyện Khải quen một cô bạn gái con nhà có điều kiện. Ngày Khải trở về, biết Thu đã vào chiến trường, Khải viết đơn xung phong với hy vọng biết đâu gặp Thu ở trong ấy. Đơn chưa kịp gửi thì chiến tranh kết thúc. Giấy báo tử báo về. Khải như chết lặng. Mẹ anh dường như cũng thấy ân hận về hành động của mình, đến tận khi nhắm mắt, bà không hề giục anh cưới vợ một lần nào. Mấy năm gần đây, nhận thấy sức khỏe đã giảm sút, Khải xin nghỉ hưu sớm, dồn hết sức đi tìm Thu, đưa Thu về với quê hương.
***
Vạt rừng ẩm ướt, nằng nặng hơi nước. Chẳng mấy nữa sẽ đến mùa mưa. Rừng im ắng quá. Chỉ có tiếng cuốc, tiếng xẻng đào đất, va vào sỏi đá vang lên đều đều. Mấy chục năm qua đi, đã trốn chạy bằng cách rời quê hương, xứ sở đến sống ở nơi cách xa cả nửa vòng trái đất mà những ám ảnh vẫn tìm về trong mỗi giấc đêm. Năm người con gái đang ở độ tuổi căng tràn sức sống, quyết tâm chết trước khi phải chịu nhục. Khi những tên lính Mỹ rút lui, vứt lại những cái xác cạnh bìa rừng, người đàn ông ấy và một vài người chứng kiến sự việc đã cố tình đi tụt lại như mình bị lạc, quay trở lại chôn cất những cô gái. Không có đủ thời gian, họ đành đào một cái hố chung để các cô được nằm với nhau. Thật may những cái tên ghi trên ngực áo vẫn còn đọc được để họ ghi thứ tự từng người. Gần hết cuộc đời rồi, người Việt kiều đó quyết định trở về, tìm người nhà cho những người con gái ấy, như tìm lại chút thanh thản trước khi từ giã cõi đời.
Khói hương nghi ngút quyện với hơi sương, hơi đất và mùi lá mục bốc lên ngai ngái. Thu đây rồi. Những tấm vải đỏ nhẹ nhàng ôm lấy Thu và những người đồng đội. Xa quê mấy chục năm rồi, Khải đưa Thu về với bố mẹ, Thu ơi! Trong hơi sương loang loáng, tôi như thấy Thu cùng những người đồng đội nắm tay nhau. Nhìn thấy Khải, nhìn thấy tôi, Thu gật đầu, mỉm cười. Ánh mắt Thu như nói Thu đã biết hết, hiểu hết. Thu chẳng trách cứ điều gì đâu.
Khải cũng nhìn thấy Thu. Trong đôi mắt Khải, tôi thấy bóng hình người con gái năm nào gục đầu vào vai anh, khóc hẹn ngày trở về. Từ đôi môi Khải, những lời nghèn nghẹn như cơn gió mang đầy hơi nước thoảng qua: “Anh đón em về! Em nhé”…