Theo Masan Group, trong hai tháng quý II, tập đoàn này đã mở mới 27 cửa hàng WinMart+ và ba cửa hàng WIN. Tập đoàn cũng tiếp tục chuyển đổi 145 cửa hàng WinMart+ sang mô hình WIN. Trước đó trong quý I, số lượng cửa hàng WinMart+ được mở mới là 40 điểm bán.
Theo chia sẻ từ phía Masan Group, việc mở thêm nhiều cửa hàng mới, số lượng cửa hàng tăng mạnh là động lực chính thúc đẩy WinCommerce – đơn vị vận hành chuỗi siêu thị, cán mốc doanh thu gần 8.000 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, tăng 6% so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong kỳ, WinCommerce ghi nhận biên lợi nhuận gộp tăng 200 điểm cơ bản lên 24,1% từ mức 22,1% trong quý I/2023.
Hiện công ty đang có hơn 3.600 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN, hiện diện tại 62 tỉnh thành trên cả nước. Tại cuộc họp thường niên diễn ra sáng 25/4, bà Nguyễn Thị Phương – Tổng Giám đốc WinCommerce nói đã hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu trong năm 2023. Năm nay, chuỗi bán lẻ này sẽ quay trở lại chiến lược mở rộng điểm bán.
Công ty đặt mục tiêu mở mới 400-700 cửa hàng và siêu thị, tùy vào tình hình thực tế. Nếu thành công với mục tiêu tối đa, chuỗi này sẽ có hơn 4.000 điểm bán vào cuối năm nay. Doanh nghiệp này tập trung vào các mô hình riêng biệt cho từng khu vực và phân khúc khách hàng.
Cho tới ba tháng đầu năm nay, hệ thống siêu thị mini vẫn là động lực tăng trưởng chủ yếu cho WinCommerce khi mang về hơn 5.300 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận ở cấp độ cửa hàng của những siêu thị mini này được cải thiện so với thời gian trước nhờ biên lãi gộp cao hơn.
Nhằm tối ưu biên lợi nhuận, Masan Group đang dựa vào các yếu tố như đàm phán giá từ các nhà cung cấp, phát triển thương hiệu riêng và tối ưu logistics.
Trong tháng 5, tập đoàn nói rằng họ vẫn đang đàm phán với các nhà cung cấp để đảm bảo có được chính sách giá tốt. Từ đầu năm đến nay, hệ thống bán lẻ của Masan Group theo đuổi chiến lược giá tốt và danh mục sản phẩm đã lên tới 600 mặt hàng giá siêu rẻ, cùng các chương trình khuyến mại khác như Hội viên WIN giảm 20% đối với các thương hiệu WinEco và MEATDeli.
Trong khi đó, Masan Group tiếp tục phát triển các nhãn hàng riêng như WinMart Good (thực phẩm khô) và WinMart Home (sản phẩm chăm sóc cá nhân/gia dụng) được giới thiệu có giá rẻ hơn 10-20% so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường.
Ngoài ra, hệ thống bán lẻ của Masan Group cũng nắm trong tay con bài chiến lược về logistics với Supra được thành lập năm 2022. Tính tới đầu năm nay, Supra đang sở hữu hệ thống trung tâm phân phối (Distribution Center – DC) gồm 15 kho, bao gồm 8 kho khô và 7 kho lạnh trên cả ba miền. Sản lượng hàng giao qua hệ thống DC Supra chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hàng hóa của WinCommerce.
Masan Group cho biết tùy vào diện tích và vị trí của các kho, các kho khô vận chuyển khoảng từ 454 tấn hàng hóa/ngày, 11.805 tấn hàng hóa/tháng. Kho lạnh vận chuyển khoảng 275 tấn hàng hóa/ngày và 8.250 tấn hàng hóa/tháng. Hiện theo công bố, Supra giúp Masan Group giảm 11% chi phí logistic đối với hàng hóa, góp phần trực tiếp giảm giá thành lên từng sản phẩm.
Về triển vọng thị trường bán lẻ, tại báo cáo mới đây, J.P.Morgan cho biết, bối cảnh tiêu dùng của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu tăng trưởng. Thị phần của các nhà bán lẻ tạp hóa hiện đại (cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, siêu thị) chỉ đạt 12% vào năm 2023, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ thâm nhập của Thái Lan vào những năm 2000, mặc dù tỷ lệ đô thị hóa tương tự. Điều này cho thấy còn nhiều dư địa để phát triển kênh bán lẻ hiện đại.
Mặt khác, theo chuyên gia, việc làm trong ngành sản xuất được phục hồi và chính sách cải cách tiền lương của chính phủ được kỳ vọng sẽ bổ sung thêm khoảng 1,3% vào GDP hàng năm trong nửa cuối năm 2024 cũng sẽ là động lực cho ngành bán lẻ quay trở lại đường tăng trưởng.