Triển vọng sáng của thị trường bao bì công nghiệp
Vốn là lĩnh vực phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất nhập khẩu, bao bì công nghiệp được dự báo sẽ có bước tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian tới, khi hoạt động giao thương nhộn nhịp trở lại.
Theo Tổ chức tư vấn và phân tích thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường bao bì công nghiệp toàn cầu ước đạt 66,27 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng lên 83,45 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,72% giai đoạn 2024-2029. Những con số này cho thấy, bao bì công nghiệp là một thị trường màu mỡ, thu hút giới đầu tư và nhiều doanh nghiệp tham gia rót vốn.
Trong khi đó tại Việt Nam, theo thống kê, hiện mới chỉ khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bao bì công nghiệp, quy mô thị trường xuất khẩu ước đạt 500 triệu USD/năm. Đây là con số còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
Như vậy, “mảnh đất” bao bì công nghiệp còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, dư địa để phát triển còn rất lớn. Theo giới phân tích, việc Việt Nam tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP,… sẽ giúp sản phẩm bao bì công nghiệp xuất khẩu đi các nước thành viên được hưởng thuế suất bằng hoặc gần bằng 0%. Đây là động lực rất lớn để các nhà sản xuất bao bì Việt Nam thâm nhập thị trường, gia tăng khả năng cạnh tranh của bao bì Việt Nam trên sân chơi toàn cầu.
Chiếm lĩnh thị trường nhờ chiến lược kinh doanh bài bản
Nắm bắt nhu cầu thị trường và những lợi ích mà các FTA mang lại, một số doanh nghiệp Việt đã mạnh dạn đầu tư máy móc và công nghệ để sản xuất các loại bao bì công nghiệp chất lượng cao, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của các thị trường lớn và khó tính.
“Chúng tôi mới đầu tư mạnh cho mảng này trong khoảng 5 năm gần đây nhưng hiện đã có lượng đơn hàng ổn định và ngày một tăng do nhu cầu thị trường lớn”, đại diện CTCP Nhựa bao bì An Vinh (An Vinh Packaging) cho hay.
An Vinh Packaging là cái tên không còn xa lạ trong phân khúc bao bì công nghiệp tại Việt Nam. Đây là công ty thuộc Tập đoàn An Phát Holdings – một doanh nghiệp lâu năm và có tiếng với các sản phẩm nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Tận dụng mạng lưới thị trường sẵn có, An Vinh Packaging hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu, với 2 dòng sản phẩm chủ lực là bao Sling và bao Jumbo có kiểu dáng thiết kế đa dạng đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. “Bao Jumbo và bao Sling của chúng tôi có độ bền cao và tải trọng lên tới 2000 kg, giúp vận chuyển hoặc đóng gói các loại hàng hóa nặng và có kích thước lớn”, đại diện công ty cho biết.
Là doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu, An Vinh Packaging coi công nghệ là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng sức cạnh tranh trước các đối thủ. “Chúng tôi đầu tư rất lớn cho công nghệ, với hàng loạt máy móc hiện đại và mới 100% như máy tạo sợi, dệt, cắt, tráng, máy may, máy kiểm tra tải trọng, máy kiểm tra UV,… để tự chủ trong sản xuất và kiểm định chất lượng sản phẩm”, đại diện công ty cho hay.
Bên cạnh đó, An Vinh Packaging còn đẩy mạnh nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm mới, trong đó phải kể đến vải địa kỹ thuật và vải nông nghiệp, để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng cũng như tìm kiếm các tệp khách mới.
Với chiến lược kinh doanh bài bản, quy mô hoạt động của An Vinh Packaging đang ngày càng mở rộng. Sản lượng sản xuất hiện đạt khoảng 500.000 bao/tháng, tăng đáng kể so với mức 100.000 bao/tháng vào năm 2018. Sản phẩm của công ty này hiện đã có mặt ở nhiều nước như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Úc…
“Nhật Bản là một thị trường khó chinh phục, nhưng hiện tại An Vinh Packaging đang có tới 1/3 tổng sản lượng phục vụ cho thị trường này”, đại diện công ty nói thêm.
Nhìn thấy triển vọng sáng và dư địa lớn của ngành, đại diện An Vinh Packaging cho hay, công ty sẽ tiếp tục đầu tư cho công nghệ, trang bị thêm máy móc mới, để tăng sản lượng sản xuất đặc biệt là bao Jumbo, đồng thời chú trọng thiết kế, sản xuất các sản phẩm có độ khó hơn, để mở rộng thị trường. Ngoài 2 thị trường chủ chốt là châu Mỹ và châu Á, hiện công ty đang tìm cách tiến vào châu Âu, nơi đòi hỏi rất cao về quy cách sản phẩm và mức giá rất cạnh tranh.