Ngày 4/6, người phát ngôn của ứng dụng chia sẻ video TikTok cho biết nền tảng này đã thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công mạng nhắm vào một số tài khoản thương hiệu và người nổi tiếng, trong đó có cả hãng tin CNN.
Người phát ngôn của TikTok cho biết nền tảng này đã hợp tác chặt chẽ với CNN để khôi phục quyền truy cập tài khoản và thực hiện các biện pháp bảo mật nâng cao để bảo vệ tài khoản của họ trong tương lai.
TikTok cho biết số lượng tài khoản bị xâm phạm là “rất ít” và ứng dụng này đang làm việc với các chủ tài khoản bị ảnh hưởng để khôi phục quyền truy cập nếu cần.
Trả lời hãng tin Reuters, một nguồn tin tại TikTok cho hay tin tặc đã nhắm mục tiêu vào tài khoản của ngôi sao truyền hình thực tế Paris Hilton nhưng tài khoản này không bị tổn hại.
Trong tháng Năm, TikTok và công ty mẹ ByteDance đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn một điều luật đã được Tổng thống Joe Biden ký, do lo ngại về an ninh quốc gia. Luật này yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi ứng dụng chia sẻ video ngắn đang được 170 triệu người Mỹ sử dụng, nếu không sẽ bị cấm hoạt động.
TikTok nhấn mạnh nền tảng này sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với Chính phủ Trung Quốc và đã thực hiện các biện pháp đáng kể để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
TikTok đã chi 2 tỷ USD để thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu của người dùng Mỹ và đưa ra các cam kết bổ sung trong bản dự thảo Thỏa thuận An ninh Quốc gia được xây dựng thông qua các cuộc đàm phán với Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). TikTok đồng ý với “tùy chọn đóng cửa” cho phép Chính phủ Mỹ có quyền đình chỉ TikTok tại Mỹ nếu ứng dụng này vi phạm một số nghĩa vụ. Nhưng đến tháng 8/2022, CFIUS đã ngừng tham gia các cuộc thảo luận về thỏa thuận nói trên.