Cảnh trong phim
Bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” sản xuất vào năm 1992 do Nguyễn Hữu Phần và Phi Tiến Sơn đạo diễn, với sự tham gia của tài tử nổi tiếng thời bấy giờ là Lê Công Tuấn Anh. Bộ phim lấy cảm hứng từ nội dung 11 ca khúc do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác.
Phim xoay quanh câu chuyện về âm nhạc và tình yêu của 3 nhân vật Diễm, Huyền My và Quang Sơn. Họ là những người yêu nghệ thuật, yêu nốt nhạc lời ca, muốn những ca khúc và tiếng hát của mình đi vào đời, hòa nhịp vào cuộc sống để ca ngợi tình yêu lứa đôi và mong ước mọi người đều được sống hạnh phúc trong một đất nước hòa bình. Thế nhưng chiến tranh ập đến, họ phải trải qua những cuộc bể dâu, chia lìa.
Sau khi mất đi Diễm, mối tình đầu ngây thơ, trong sáng, Quang Sơn chỉ có thể khắc ghi mối tình đầu trong những ca từ: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”. Anh lang thang đến Đà Lạt, vừa để chạy trốn nỗi đau vừa để chạy trốn chiến tranh. Ở đó, anh đã sáng tác nhiều tình khúc làm rung động trái tim biết bao người. Cuộc gặp gỡ với Huyền My, cô ca sĩ có giọng ca trữ tình đã chia sẻ cùng anh niềm vui, nỗi buồn và cả ước mơ hạnh phúc.
Và rồi một lần nữa hoàn cảnh thời chiến với những số phận éo le lại khiến mối tình của Quang Sơn và Huyền My bị chia cắt. Nhạc sĩ tài hoa Quang Sơn lúc này chỉ còn một mình cùng cây đàn làm bạn. Anh bắt đầu đi qua các đường phố, hát lên những ca khúc ca ngợi tình yêu thương con người, ca ngợi hòa bình cũng như thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Quang Sơn đã dùng âm nhạc để cất lên tiếng nói mãnh liệt, đánh thức biết bao trái tim người trẻ yêu nước.
Một bộ phim lãng mạn, thơ mộng đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Theo dõi hành trình âm nhạc của Quang Sơn, Huyền My, chúng ta không chỉ hiểu hơn về những trái tim yêu âm nhạc mà còn có cái nhìn thấu cảm hơn đối với những người trẻ ở thời kỳ ấy. Sống giữa những “làn mưa bom bão đạn”, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết mỏng manh, họ vẫn luôn biết ước mơ, biết hoài bão và biết yêu.
Cùng với mối tình lãng mạn u buồn của Quang Sơn và Huyền My thì những ca khúc của Trịnh Công Sơn được sử dụng trong phim đã tạo nên nhiều lưu luyến đối với người xem phim cũng như người yêu nhạc Trịnh.
Một lần nữa khi nghe những ca khúc như: “Diễm xưa”, “Em còn nhớ hay em đã quên”… vang lên qua từng khung hình, biết bao ký ức ùa về trong tôi. Thuở ấy, chúng tôi đều rất trẻ, đều yêu nhạc Trịnh. Chúng tôi thường ngồi cùng nhau ở quán cà phê nhạc Trịnh, cùng uống ấm trà mạn đặc rồi ngân nga theo từng giai điệu của Khánh Ly. Đã chục năm rồi, giờ đây, quán cà phê cũng đã không còn. Đi qua lối đó giờ đã là một tòa chung cư to đẹp. Quán cà phê nhạc Trịnh thuở ấy giờ chỉ còn trong ký ức và những câu chuyện cũ. Lũ chúng tôi thuở ấy yêu nhạc Trịnh bằng tình yêu nồng nhiệt của tuổi trẻ, yêu cái u buồn đẹp đẽ trong từng tình khúc của Trịnh. Tôi của ngày hôm nay đã cuốn theo cuộc sống đến mức quên mất rằng mình từng yêu nhạc Trịnh đến vậy. Tôi đã không nghe nhạc Trịnh mấy năm nay. Tôi thậm chí đã quên mất cảm xúc thời trẻ của mình. Cho đến khi xem lại bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên”, dường như ký ức đã được đánh thức, tình yêu vẫn ở đó, nỗi xúc động vẫn vẹn nguyên ở đó, nơi sâu thẳm trái tim tôi.
Một bộ phim đầy xúc cảm đã tỏ bày được tình yêu, nỗi cô đơn và sự đẹp đẽ của nhạc Trịnh. Một bộ phim dành cho tất cả những trái tim yêu nhạc Trịnh.