Một cảnh trong phim “Cà phê Thời Quang”
Bộ phim được làm nhằm thể hiện sự kính trọng đối với Yasujiro Ozu, có liên quan trực tiếp đến “Câu chuyện Tokyo” của đạo diễn Ozu. Bộ phim được công chiếu lần đầu tại một lễ hội kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ozu.
Sau khi chia tay người tình Đài Loan, cây bút trẻ Yoko bắt đầu nghiên cứu cuộc đời của Giang Văn Giả, một nhạc sĩ Đài Loan từng nổi tiếng ở Nhật trước khi khuất lấp trong lịch sử. Khi tìm tài liệu để nghiên cứu, cũng như để giải mã những giấc mơ của mình, cô nhận được sự giúp đỡ của anh bạn Hajime, một chủ hiệu sách kỳ quặc, thích nghiên cứu tiếng động của nhà ga.
Trôi dạt trên những chuyến tàu băng qua nhiều thành phố, họ dần khám phá các bí ẩn, để nhìn rõ mình trong một xã hội hiện đại cô đơn.
Bộ phim không có những chi tiết, sự kiện cao trào. Nó chỉ có hai nhân vật chậm rãi đi tìm những mảnh ký ức trong thành phố. Và rồi họ phát hiện ra những nỗi cô đơn đan quện vào nhau.
Nỗi cô đơn không hình hài, không thanh âm, chỉ đổ tràn trong tâm trí như một nỗi tĩnh lặng sâu thẳm. Yoko và Hajime, hai kẻ bị coi là lập dị trong xã hội hiện đại, đã có những giây phút là chính mình, với những ước mơ cho riêng mình.
Hầu Hiếu Hiền đặt nhân vật trong âm thanh của thành phố nơi họ đi qua. Ở đầu phim, tôi đã thắc mắc, tại sao Hajime lại có sở thích kỳ lạ như vậy khi anh đi sưu tập âm thanh của những đoàn tàu chạy qua thành phố. Liệu những mảnh âm thanh ấy có ích gì trong đời sống bộn bề này?
Đến hết phim, tôi vẫn chẳng biết rồi nó sẽ có ích gì nhưng tôi biết nó sẽ ở lại đó, nó sẽ trở thành minh chứng cho đời sống. Dù thời gian cứ thẫn thờ trôi đi, không ai có thể níu kéo thì Hajime đã lưu giữ đời sống bằng chính những âm thanh ấy.
Tôi xem “Cà phê Thời Quang” như nghe một bản nhạc cũ nhiều kỷ niệm. Ở đó, dường như chi tiết là điều không còn quan trọng nữa. Ở đó chỉ còn lại những cảm xúc hoài niệm, những mênh mang của dòng thời gian, với nhiều quyến luyến mà thôi.
Bộ phim về Tokyo, về hai người trẻ lênh đênh ở Tokyo, dẫn tôi băng qua những đường phố, những ngóc ngách thân thuộc để tôi có thể thêm yêu một thành phố đã lưu dấu vết trong biết bao câu chuyện trước đó. Hầu Hiếu Hiền làm bộ phim để tri ân Ozu, cũng là để khắc họa thêm một hình ảnh đẹp về Tokyo yêu dấu.
Một bộ phim thật trầm lắng và cô đơn nhưng thật lạ là nó không hề khiến tôi, một người xem, cảm thấy u buồn. Tôi cùng Yoko và Hajime quan sát thành phố, rồi quan sát tâm trí của chính mình, từ đó soi chiếu bản thân và nhìn vào dòng chảy của đời sống. Chúng tôi, Yoko và Hajime đều là những người trẻ từng lênh đênh trên dòng đời, mải miết đi tìm chính mình, để rồi nhận ra mình ngay vào lúc cảm thấy nỗi cô đơn đầy đặn nhất.
Quán cà phê người nhạc sĩ thường hay lưu tới vào năm xưa ấy liệu giờ đây có vết dấu nào hay tất cả chỉ còn lại một miền ký ức. Nếu có gì còn lại, hẳn đó là âm nhạc. Người nghệ sĩ đã không còn nhưng bản nhạc năm ấy vĩnh viễn ở lại.
Cũng như âm thanh của những đoàn tàu mà Hajime đã lưu lại, âm thanh vĩnh viễn ở đó. Cuộc sống chảy trôi trong dòng âm thanh ấy, hiện hữu trong dòng âm thanh ấy. Yoko và Hajime, cùng biết bao người trẻ cũng đang trên hành trình tìm chính mình giữa những dòng âm thanh ấy thôi.
“Cà phê Thời Quang” chính là một tác phẩm điện ảnh dịu dàng, tinh tế và đầy chiêm nghiệm của Hầu Hiếu Hiền.