TikTok Shop bắt đầu ra mắt tại Việt Nam từ giữa năm 2022, và nhanh chóng trở thành một thế lực mới trên thị trường thương mại điện tử, cạnh tranh ngôi đầu với Shopee và Lazada.
Theo báo cáo mới được YouNet ECI công bố cho thấy ba tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên TikTok Shop đạt hơn 18.000 tỷ đồng, đứng thứ hai với 23% thị phần. Đứng đầu là Shopee với GMV đạt gần 54.000 tỷ đồng, chiếm 68% thị phần.
Đáng chú ý, so với quý trước, nền tảng TikTok Shop tăng GMV 15,5%, ngược dòng thị trường và nhờ vậy, chiếm thêm 6,3 điểm thị phần, cắn vào “miếng bánh” của các nền tảng còn lại.
Tại Việt Nam, TikTok cũng là sàn thương mại điện tử đầu tiên có hình thức bán hàng qua livestream. Những phiên livestream được dẫn trực tiếp bởi những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tạo ra hiệu ứng thu hút lượng lớn người xem. Từ đó tạo ra những kỷ lục doanh thu vô tiền khoáng hậu.
Mở đầu cho chuỗi kỷ lục bán hàng online trên TikTok Shop qua phát trực tiếp là TikToker Phạm Thoại. Phiên livestream tháng 1 năm ngoái với 3 triệu lượt xem và 50.000 đơn hàng trong 12 tiếng. Vào thời điểm đó, đây là doanh số bán hàng qua livestream lớn nhất tại Việt Nam.
Sau Phạm Thoại, “chiến thần review” Võ Hà Linh tiếp tục xô đổ kỷ lục khi có tới 58.000 người mua hàng cùng lúc, đạt doanh thu kỷ lục 1,5 triệu USD đồng thời khiến TikTok Shop Đông Nam Á sập sàn.
Tháng 3 năm nay, cặp vợ chồng Lã Quốc Quyền – Nguyễn Lan Anh (chủ kênh Quyền Leo Daily) thiết lập cột mốc mới với phiên livestream kéo dài 13 tiếng liên tục, đạt 75 tỷ đồng doanh thu.
Tới ngày 5/5 vừa qua, Quyền Leo Daily tiếp tục vượt qua kỷ lục do chính mình thiết lập khi phiên livestream kéo dài hơn 17 tiếng đồng hồ, thu về hơn 100 tỷ đồng. Buổi bán hàng có tổng cộng hơn 100 mặt hàng đến từ nhiều ngành hàng như đồ gia dụng, đồ điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm,…
Để có được con số này, theo tuyên bố từ Quyền Leo Daily, các nhãn hàng cam kết giá trên phiên live là độc quyền và rẻ nhất trên mọi nền tảng. Ngoài ra, TikTok Shop cũng tài trợ 1 triệu USD tiền voucher cùng với đó là miễn phí toàn bộ chi phí vận chuyển cho các đơn hàng trong phiên.
Chia sẻ tại sự kiện TikTok Shop Summit 2024, ông Nguyễn Phương Lâm – Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, YouNet ECI nói về động lực tăng trưởng của TikTok Shop tại Việt Nam như sau:
“Shoppertainment (hình thức mua sắm kết hợp giải trí) là động lực chính giúp thương mại điện tử Việt Nam giữ đà tăng trưởng tiến tới 2025. Theo dữ liệu của YouNet ECI, thời trang và làm đẹp là hai ngành hàng dẫn đầu xu hướng này. Tuy nhiên, không chỉ hai ngành hàng này mà cả những ngành hàng giá trị cao như công nghệ, gia dụng cũng đang tăng trưởng trên TikTok Shop nhanh hơn trên các nền tảng khác”.
Sự đổ bộ của các nhà bán mà nổi bật là những nhà bán hàng chính hãng thương hiệu lên TikTok Shop cũng là một động lực nữa cho tăng trưởng GMV của nền tảng này trong thời gian qua.
Thực tế, số liệu từ YouNet ECI chỉ ra từ tháng 12/2023 đến hết tháng 3/2024, trên TikTok Shop đã xuất hiện thêm hơn 13.000 nhà bán TikTok Shop Mall (chính hãng).
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Bảo Trung – Giám đốc kinh doanh Metric, nhận định: “Tôi cho rằng đây là một sự kiện ấn tượng của thị trường thương mại điện tử. Mặc dù hình thức livestream kết hợp của nhiều KOL, KOC không mới, nhưng việc doanh thu của một buổi phát sóng đạt kỷ lục là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy shoppertainment đang có những thúc đẩy mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam”.
Theo ông Trung, hình thức bán hàng này thực tế đã xuất hiện được nhiều năm và ngày càng phổ biến trong gần hai năm trở lại đây. Do đó, nhận định đúng hơn phải là, các nhà bán đã và đang tối ưu ngày một hiệu quả hơn cho hình thức bán hàng qua livestream.
“Tuy nhiên, để hình thức này phát huy được tối đa hiệu quả, kể cả sau các buổi live, các nhà bán vẫn còn rất nhiều điều cần thực thi để giảm tỷ lệ hủy đơn và tỷ lệ khách hàng quay lại mua hàng thông qua các hoạt động hậu mãi, giao hàng…
Đồng thời, áp dụng livestream song song kết hợp các kênh bán hàng khác một cách có kế hoạch và chiến lược mới là hướng tăng trưởng bền vững doanh nghiệp. Bởi lẽ, không phải cứ phát sóng là khách mua hàng mà người tiêu dùng luôn tìm hiểu kỹ sản phẩm trên nhiều nền tảng khác nhau trước khi ra quyết định mua sắm”, ông Trung nêu quan điểm.
Về tỷ lệ đơn hàng ảo, theo đại diện Metric, dựa trên những phân tích, có thể thấy về mặt tổng thể ảnh hưởng của đơn ảo và hàng hoàn là không quá lớn. Điều khiến các doanh nghiệp, nhà bán hàng dễ có cảm giác sai lầm đến từ sự khó chịu đối với những đơn hàng đó khi phải xử lý, hoặc khi nghiên cứu thị trường.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, với từng nhà bán cụ thể, việc tỷ lệ hoàn đơn đối quá cao cũng sẽ khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí xử lý, cũng như giảm doanh thu.
Do đó, theo Metric, điều cần làm là, doanh nghiệp cần chủ động phương án để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của các con số nói trên. Khi tính toán được tỷ lệ hoàn hủy, có trong tay dự kiến doanh thu, nhà bán sẽ có kế hoạch về sản lượng sản phẩm sát nhất với thực tế.
Ngoài ra, những động thái giảm thiểu các hoạt động buff đơn ảo như đóng băng doanh thu, khóa cửa hàng trực tuyến,… của các sàn thương mại điện tử gần đây đã bước đầu hướng tới đảm bảo quyền lợi cho nhà bán hàng chân chính và người tiêu dùng.