“Ấn tượng Pác Bó” – tranh sơn mài của Dương Thị Thúy Hiền
Họa sĩ Dương Thị Thúy Hiền (còn có nick name là Hi-end) sinh năm 1982 ở Đắk Lắk, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM năm 2005. Đam mê hội họa từ nhỏ nhưng sau 17 năm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, kiến trúc và nội thất, khi đại dịch Covid-19 ập đến, cô mới thực sự trở lại với công việc vẽ tranh và làm sơn mài.
Những bức tranh acrylic đầu tiên, Hiền vẽ lại những hành trình, những con đường mà mình đã đi qua. Hiền vẽ những con đường đất đỏ của quê hương Đắk Lắk, những cung đường trải nghiệm qua nhiều nẻo đường đất nước, ghi lại những khoảnh khắc lộng gió ngắm khung cảnh thiên nhiên kỳ thú khi đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế uốn lượn xanh xanh bên dưới, trải nghiệm những đỉnh cao heo hút ở miền núi Hà Giang, cung đường quốc lộ 14, đường Trường Sơn trùng điệp, quốc lộ 28 từ Sài Gòn về Đắk Lắk ngang qua Lâm Đồng, con đường sơn thủy hữu tình đi qua Thủy điện Tà Đùng…
Trải nghiệm quê hương tuyệt sắc với hai bên đường là rừng, là sông, là thiên nhiên xanh mát, song nỗi xót xa cứ dâng đầy trong tim nữ họa sĩ khi sự can thiệp của con người khiến nhiều cánh rừng biến mất, sông suối khô cạn. Thực tế buồn gieo vào trong tâm hồn cô nặng nỗi ưu tư chất chứa. Quay về với xưởng vẽ, cô chỉ muốn bằng mọi cách ghi lại những khoảnh khắc quê hương đẹp rực rỡ và xúc cảm tràn trề đầy ngập trái tim.
“Như có lần được bước xuống làn nước trong xanh ở suối Lê Nin, thăm hang Pắc Bó, thác Bản Giốc ở tỉnh Cao Bằng, tôi cảm giác được chữa lành từ trong sâu thẳm tâm hồn, khiến tôi có thể nhẹ nhõm quay trở vào với sự tốt đẹp trong lành của chính tâm hồn của mình”, nữ họa sĩ 8X chia sẻ. Cứ như vậy, sau mỗi chuyến đi, trở về xưởng vẽ, nữ họa sĩ ngồi lại trải nội tâm của mình lên từng đường nét, màu sắc.
Hiền còn vẽ nhiều tranh về mẹ. Cô kể về loạt tranh vẽ mẹ của mình: “Má tôi đã già lắm rồi, năm nay má 85 tuổi. Bao nhiêu năm tuổi trẻ trải qua chiến tranh, đạn bom, làm rẫy nuôi đàn con nhỏ, trên con đường rừng trơn trượt má thồ cà phê, còng lưng thồ củi. Má đi qua những ngày mưa cũng như ngày nắng, mùa hạ nóng gắt cũng như mùa đông lạnh giá. Má thồ củi về nhà có đàn con thơ đang chờ. Có bức thì tôi vẽ má đang ngồi tráng bánh, xung quanh má là vườn cây, cái bếp, con gà… Đôi bàn tay má đã làm rất nhiều việc để nuôi đàn con lớn lên, được ăn học đàng hoàng. Khi vẽ má, không phải tôi chỉ vẽ lại một khung cảnh đơn sơ đó mà là tôi trải hồn vào bức tranh bao trùm lên đó tình thương sâu sắc cho cả một cuộc đời cực nhọc rất dài của má. Tôi đã khóc rất nhiều khi đánh bóng những bức tranh này”.
Hiền quyết tâm theo đuổi sơn mài với sự hướng dẫn của họa sĩ Trần Có, dù rất cực. Làm sơn mài cần phải đôi tay đủ lực, đủ khỏe, không những vậy còn phải chấp nhận đây là một khoản đầu tư tốn kém. “Sau đại dịch Covid-19, mọi thứ mỗi lúc một khó khăn hơn, công ty thì đã đóng cửa mà ngồi làm tranh sơn mài thì hai bàn tay vẫn cứ phải mài cho vàng chảy trôi theo nước”, nữ họa sĩ ngậm ngùi kể. Nhất là những bức sơn mài lớn, có nhiều bức khổ rộng lên tới 70×170 cm như bức Ấn tượng Pắc Bó hay Sơn thủy Mã Pí Lèng…
Để có được những tác phẩm sơn mài khổ lớn lộng lẫy hiện diện không phải là điều dễ dàng với Hiền. Ngày nào cô cũng dậy từ sáng sớm, đưa đón các con đi học, bản thân đi làm, tự cân bằng thân – tâm – trí vượt qua từng khúc đường khó khăn của cuộc sống, phải tranh thủ từng buổi trưa và các buổi tối để vẽ thì mới có tác phẩm.
Đặc biệt là làm sơn mài luôn đúng nghĩa đen, bắt họa sĩ phải trả những cái giá rất đắt từ đầu tư chất liệu vàng, bạc, sơn then… Nhiều tháng liền họa sĩ phải đổ mồ hôi và nước mắt, nhất là khi làm những công đoạn cuối của tranh sơn mài, khi bàn tay của người họa sĩ đặt trực tiếp lên tác phẩm, mài và cảm nhận đến đâu là đủ, đến đâu thì đứa con tinh thần của mình hoàn thiện…
“Cảm giác y như mình đang chạm vào đứa con của mình, vuốt ve nâng niu, nắn nót với sự tỉnh táo, bình yên và chữa lành. Tôi chỉ mong những người đến ngắm tranh cũng nhận được năng lượng yên bình như thế khi thưởng thức các tác phẩm”, Hiền thổ lộ.
Dương Thị Thúy Hiền là một trong những tác giả tham gia triển lãm nhóm “Rực rỡ mùa hè” diễn ra tại Hội Mỹ thuật TPHCM từ ngày 21/5 đến 27/5/2024.