Trang phục của phụ nữ người Ngái
Người Ngái trước nguy cơ mai một tiếng nói và văn hóa
Hiện nay, xóm Tam Thái (xã Hòa Thượng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) là nơi sinh sống tập trung của một cộng đồng người Ngái. Theo lời ông Thẩm Dịch Thọ – một cao niên am hiểu về cộng đồng thì khoảng 100 năm trước, do điều kiện sinh sống khó khăn, những dòng họ người Ngái là Thẩm, Diệp và Lâm ở khu vực ven biển Quảng Ninh quyết định di cư đi tìm miền đất mới sinh sống.
Đến vùng Thái Nguyên, đến chân núi Hột và núi Cái, thấy đất đai màu mỡ, địa hình bằng phẳng nên họ quyết định ở lại, sinh cơ lập nghiệp. Người Ngái rất giỏi trong việc quan sát các hiện tượng tự nhiên để lựa việc gieo trồng, giỏi trong việc xây kênh mương, đắp đập, tưới tiêu để canh tác.
Người Ngái còn giỏi trong các việc thủ công phụ trợ như dệt chiếu, làm mành, rèn, mộc, làm gạch ngói. Ngoài cộng đồng những dòng họ di cư về Đồng Hỷ, nhóm người gốc dân tộc Ngái còn di cư đến nhiều vùng đất khác, và đã mai một, suy giảm qua nhiều biến động.
Dân tộc Ngái nằm trong số những dân tộc ít người nhất, có cộng đồng rất nhỏ. Ông Vũ Xuân Thái – Trưởng phòng dân tộc huyện Đồng Hỷ cho biết: “Cộng đồng người Ngái ở Đồng Hỷ hiện chỉ còn khoảng hơn 250 người, thuộc nhóm dân tộc đặc biệt ít người. Do cộng đồng người Ngái ngày càng ít ỏi nên việc gìn giữ tiếng nói và văn hóa rất khó khăn”.
Cô Thẩm Thị Hồng – người dân tộc Ngái tại Tam Thái cho biết: “Ngày bé, tôi học tiếng Ngái từ cha mẹ, mọi người giao tiếp với nhau bằng tiếng Ngái. Chúng tôi cũng cố gắng dạy lại tiếng Ngái cho con cháu. Tuy nhiên, hiện tại trẻ em đi học đều học bằng tiếng Kinh, người trẻ rất ít sử dụng tiếng Ngái, chúng tôi lo rằng sẽ không còn giữ được tiếng nói của người Ngái. Người Ngái còn có một kho tàng truyện cổ, thành ngữ nhưng hiện đã mai một đi rất nhiều”.
Tại huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) cũng có 1 số hộ gia đình người ngái. Thầy giáo Lý Ngọc Chung – người dân tộc Ngái cho biết: “Giờ chỉ còn một số cụ cao niên là còn nói tiếng Ngái, trẻ em hầu như không còn học, còn biết và nói tiếng Ngái nữa. Nhiều nét văn hóa của người Ngái đã bị mai một”.
Trước đây, tục lệ cưới xin của người Ngái xưa kia rất nhiều bước: lễ dặm hỏi, lễ so tuổi, lễ ăn hỏi, lễ dứt lời, lễ cưới chính thức và sau đó có lại mặt. Ngày nay, những tục lệ quá rườm rà trong cưới xin đã được cắt bớt, tục cũ tốt đẹp như chia vốn cho con gái làm ăn khi lấy chồng vẫn được giữ. Người Ngái quan niệm chế độ một vợ một chồng, đề cao sự tôn trọng và thủy chung trong cuộc sống vợ chồng, hầu như không có ly hôn sau khi lập gia đình.
Người Ngái (còn có tên gọi khác là Ngái Hắc Cá, Hẹ, Ngái Lầu Mần, Síu, Đản) thuộc nhóm ngôn ngữ Hán – Tạng. Theo các nghiên cứu, người Ngái có gốc gác tại vùng Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) rồi di dư sang Việt Nam.
Theo số liệu điều tra thu thập thông tin về 53 dân tộc thiểu số được công bố năm 2020, tổng dân số người Ngái là 1.649 người.
Hội LHPN hỗ trợ gìn giữ văn hóa người dân tộc Ngái
Huyện Đồng Hỷ là nơi sinh sống của nhiều dân tộc (đông nhất là người Sán Dìu) nên công tác dân tộc, tôn giáo rất được quan tâm. Hội LHPN huyện Đồng Hỷ phối hợp cùng phòng dân tộc huyện thực hiện nắm bắt đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số; quan tâm hỗ trợ việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người Ngái.
Với nhiều sự nỗ lực, năm ngoái, “Câu lạc bộ sường cô người Ngái” đã ra đời, nhằm mục đích gìn giữ điệu hát “sường cô” – điệu hát cổ, di sản văn hóa của người Ngái. Các đại diện cộng đồng đều vui mừng khi “Câu lạc bộ sường cô người Ngái” ra đời. Điệu sường cô là những lời hát nói về cuộc sống, ước vọng của người Ngái. Các thành viên câu lạc bộ dự định sẽ nỗ lực dạy lại các điệu hát này cho con cháu, để một điệu hát di sản văn hóa của người Ngái sẽ không biến mất.
Điệu hát sường cô của người Ngái
Bà Lê Thị Thanh Mai – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Hỷ cho biết: “Do là một cộng đồng nhỏ, các cấp chính quyền cùng Hội LHPN rất quan tâm hỗ trợ đời sống, đặc biệt là gìn giữ văn hóa của người Ngái. Hiện tại đời sống kinh tế của người Ngái về cơ bản đã tốt hơn, số hộ nghèo trong cộng đồng không còn. Trẻ em người Ngái có điều kiện học hành tốt, phụ nữ bình đẳng và có cơ hội phát triển. Khó khăn còn lại là tiếng nói và văn hóa cộng đồng gặp nhiều khó khăn trong giữ gìn, bảo tồn”.