Thầy cúng người Dao chuẩn bị làm lễ tang ma
Người Dao Họ là một trong ba nhóm ngành Dao ở Lào Cai (Dao Tuyển, Dao Đỏ và Dao Họ), cư trú chủ yếu ở các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên của tỉnh Lào Cai. Xưa kia, người Dao Họ rất coi trọng việc làm tang ma cho người đã khuất. Họ coi việc làm nghi lễ tang ma linh đình tốn kém cho người đã khuất sẽ thể hiện đạo hiếu với ông bà, cha mẹ của mình, để tiễn đưa linh hồn của họ về với tổ tiên. Nghi lễ làm tang ma của họ thường diễn ra dưới 2 hình thức: làm ma tươi và ma khô.
Nghi lễ làm ma tươi là ngay sau khi người thân trong gia đình khuất núi, họ sẽ tổ chức nghi lễ tang ma linh đình, kéo dài tới 3 ngày, thực hiện nhiều nghi lễ cúng, với những lễ vật gồm hàng chục con gà, lợn, rất tốn kém.
Nghi lễ làm ma khô là sau khi người thân qua đời được 3 năm, con cháu sẽ tổ chức làm lễ cúng chay, gọi hồn người thân. Nghi lễ này cũng diễn ra kéo dài tới 3 ngày, chỉ riêng phần lễ vật gà lợn cũng lên tới hàng chục con, chưa kể các khoản chi phí lương thực, thực phẩm cho hàng trăm người tới dự.
Sau mỗi nghi lễ như vậy, các gia đình đều rơi vào cảnh khó khăn, bởi có bao nhiêu tài sản đều đã dốc vào làm các nghi lễ tang mang cho người thân hết cả. Nhưng họ vẫn phải làm để không mang tiếng là bất hiếu với vong linh của ông bà, cha mẹ.
Ông Bàn Văn Sang, ở thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà (Bảo Thắng, Lào Cai), cho biết: “Xưa kia, việc làm tang ma cho người đã khuất thường rất tốn kém, nếu có người thân mất, gia đinh phải chuẩn bị rất nhiều thứ, từ gà lợn, rau gạo, rượu, để làm tang ma. Với nhiều nghi lễ cúng bái theo phong tục nên đám ma thường diễn ra trong 3 ngày mới xong. Chỉ riêng lễ vật đã mất tới hàng chục con lợn, vài chục con gà. Chưa kể các khoản chi phí khác. Làm xong một nghi lễ như vậy thì gia đình cũng không còn lại tài sản gì. Nhưng vì phong tục truyền thống được cha ông truyền lại từ xa xưa nên vẫn phải làm, nếu không làm thì sẽ bị cộng đồng nhìn nhận là không làm tròn bổn phận với ông bà, cha mẹ”.
Làm ma tươi đã tốn kém vậy nhưng chi phí làm ma khô cũng không kém. Sau khi người thân qua đời được khoảng 3 năm, gia đình sẽ làm nghi lễ cúng ma khô (cúng chay). Để làm nghi lễ này, có thể gia đình sẽ phải chuẩn bị lễ vật, tiền bạc suốt mấy năm trời.
Bà Bàn Thị Thin, ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, chia sẻ: “Lễ cúng chay diễn ra trong 3 ngày, chỉ riêng lợn làm lễ cúng có khi tới 20 con to, nhỏ. Vì có nhiều nghi lễ cúng bái lắm, mỗi nghi lễ lại phải cúng bằng đầu lợn, nên cứ mổ hết con này lại tới con kia để làm lễ cúng. Vậy thì mới gọi được vong linh của người thân về làm nghi lễ tắm rửa, đưa họ về với tổ tiên. Sau khi làm lễ cúng chay thì con cháu lại rất vất vả vì kinh tế bị giảm đi rất nhiều”.
Từ khoảng chục năm trở lại đây, khi các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động xóa bỏ hủ tục, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, người Dao Họ đã tích cực hưởng ứng và áp dụng việc xóa bỏ các hủ tục tang ma vào đời sống cộng đồng.
Các nghi lễ làm tang ma được người dân tiết giảm các lễ vật và cả thời gian thực hiện. Hiện nay, việc làm tang ma thường chỉ diễn ra trong 2 ngày, thay vì 3 đến 4 ngày như xưa. Các bước thực hiện nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng vẫn được người dân chú trọng duy trì, song lễ vật gà lợn thì đã được cắt giảm, để đảm thực hiện đúng phong tục nhưng không gây tốn kém cả về vật chất lẫn thời gian. Nếu như một nghi lễ cúng chay xưa kia phải tốn kém hàng chục con lợn, con gà và diễn ra ăn uống linh đình từ 3 đến 4 ngày thì hiện nay nghi lễ này chỉ tốn kém vài con lợn, gà và việc ăn uống chỉ diễn ra trong một ngày. Nhờ vậy đã giảm đáng kể gánh nặng kinh tế cho các gia đình có việc hiếu.
Bà Vũ Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa cơ sở và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, cho biết: “Người Dao Họ là nhóm ngành dân tộc có bề dày về văn hóa truyền thống rất độc đáo, tuy nhiên điều này cũng khiến cho các nghi lễ làm tang ma của họ xưa kia thường kéo dài, tốn kém về vật chất. Từ khoảng chục năm trở lại đây, các cơ quan chức năng tuyên truyền vận động xóa bỏ các hủ tục, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó có nghi lễ làm tang ma. Người dân đã đã tích cực hưởng ứng thực hiện. Từ đó đã có những đổi thay tích cực, các hủ tục lạc hậu như việc thực hiện các nghi lễ gây tốn kém, kéo dài thời gian…, đã được giản lược, thậm chí bỏ đi. Từ đó đã tiết kiệm được nhiều chi phí, giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho các gia đình mà vẫn đảm bảo gìn giữ và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây là điều đáng trân trọng trong cộng đồng người Dao Họ ở Lào Cai”.