Bộ Chính trị bàn kế hoạch chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Triệu Đại
Nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không thể không nhắc đến hình ảnh quân ta phất cờ quyết chiến quyết thắng trên nóc hầm De Casteris trong buổi chiều ngày 7/5/1954. Đó là hình ảnh bất tử, trở thành biểu tượng niềm tự hào và tinh thần chiến thắng bất diệt của quân dân Việt Nam. Báo chí thế giới mỗi khi nói tới Điện Biên Phủ là đăng kèm bức ảnh này cùng những lời bình luận tốt đẹp, thể hiện sự cảm phục nhân dân Việt Nam anh hùng, cảm phục quân đội Việt Nam thiện chiến, cảm phục tài chiến lược chỉ đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bức ảnh quân ta phất cờ quyết chiến quyết thắng trên nóc hầm De Casteris cùng nhiều hình ảnh khác trong chiến dịch Điện Biên Phủ quá đỗi quen thuộc trên sách báo và các phương tiện truyền thông song dường như, còn ít người biết đến tác giả của những bức ảnh mang nhiều ý nghĩa và giá trị lịch sử ấy. Ông chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại – phóng viên chiến trường đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: “Triệu Đại đã viết lên bộ sử thi bằng ảnh phong phú, quý hiếm về chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là bộ ảnh chiến tranh duy nhất được ghi chụp từ lúc mở màn chiến dịch cho đến ngày toàn thắng và do một người chụp duy nhất – nghệ sĩ, chiến sĩ Điện Biên Phủ Triệu Đại. Kho tàng ảnh chống ngoại xâm vô giá về chiến thắng Điện Biên Phủ của Triệu Đại dư tầm vóc sánh ngang vai với bất cứ nhà nhiếp ảnh chiến tranh vĩ đại nào trên thế giới cùng thời với ông”.
Năm 1953, sau đợt chỉnh quân chính trị, Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, ông đã khẩn trương lên đường và được người dẫn hành quân theo đường sông núi để vào chiến trường nhanh nhất. Trong thời gian có mặt tại chiến dịch, từ lúc mở đường cho chiến dịch đến lúc liên hoan mừng chiến thắng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại đã ghi lại hàng nghìn hình ảnh cảm động và chân thực của quân và dân ta. Toàn bộ hình ảnh về công tác chuẩn bị chiến trường ở mặt trận Điện Biên Phủ được ông chụp tường tận như: Mở đường thắng lợi, Công binh làm hầm pháo, Văn công mặt trận, Bộ đội kéo pháo… Đặc biệt, Triệu Đại đã chụp được hình ảnh quý, rất có ý nghĩa là khẩu lựu pháo của ta trong hầm khai hỏa phát súng đầu tiên, mở màn chiến dịch.
Nói về nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại, nguyên chủ tịch hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Chu Chí Thành nhấn mạnh rằng, “từ bức ảnh đầu tiên Triệu Đại chụp ngọn cờ bộ đội ta phất cao trên đồi Him Lam, đến bức ảnh cuối cùng bộ đội ta phất cờ trên nóc hầm De Castries là một cuộc hành trình đầy khó khăn gian khổ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh trên chiến trường và là sự hy sinh vô bờ bến của biết bao cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bi hùng này. Lá cờ quyết chiến quyết thắng được bộ đội ta phất cao trên nóc hầm De Castries đầy kiêu hãnh và tự hào, có sức lay động, truyền cảm để cho đến bây giờ. 70 năm đã trôi qua, bức ảnh vẫn có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian, còn mãi trong lòng dân tộc như một kì tích lịch sử”.
Có thể nói, nghệ sỹ nhiếp ảnh Triệu Đại là một nhà chép sử bằng ảnh. Hàng nghìn bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ của ông là một tập biên niên sử bằng ảnh rất có giá trị. Những bức ảnh về Điện Biên Phủ đã đi vào đời sống xã hội nhiều thế hệ và trở thành biểu tượng của Chiến Thắng Điện Biên Phủ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại sinh năm 1920, tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông học nghề nhiếp ảnh từ những năm 1941 tại Central photo ở Hà nội; thuộc lớp những nhà nhiếp ảnh Cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Thanh niên Cứu quốc Thành Hà Nội. Khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội (1946), ông cùng các đồng chí của mình sơ tán về Đô thị Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây. Ông mở hiệu ảnh “Triệu Đại ảnh quán” và đây cũng là Trụ sở nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lê nin và ông là Bí thư Đảng uỷ đầu tiên ở Đô thị Vân Đình lúc bấy giờ.
Năm 1947, ông được điều động vào Quân đội, đảm nhận công tác phóng viên mặt trận. Có mặt tại Chiến dịch Biên Giới 1950, Triệu Đại đã chụp nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử, chụp các trận đánh Đông Khê, Thất Khê và hai viên chỉ huy quân Pháp là Lơ-pa và Xác-tông. Ông được thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì về công tác nhiếp ảnh tại mặt trận Biên giới này.
Tiếp đó, Triệu Đại tiếp tục tham gia các chiến dịch lớn khác như Chiến dịch Hòa Bình năm 1951, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952…
Năm 1953, sau đợt chỉnh quân chính trị, ông được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, điều động tham chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau 1954, nghệ sỹ nhiếp ảnh Triệu Đại về công tác tại Báo “Quân Đội Nhân Dân”. Ông vẫn là phóng viên nhiếp ảnh đi chiến trường. Ông đã chụp ảnh tại các chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Bình 1965, Quảng Trị 1967, Khe Sanh 1968. Đặc biệt, tại Khe Sanh, ông chụp được bức ảnh bộ đội đang xung phong vượt qua khói bom rất xuất sắc có tựa đề “Tiến lên giành toàn thắng”. Bức ảnh được giải nhất trong triển lãm ảnh “Anh bộ đội” năm 1969.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại được tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” đơt một năm 2001. Ông mất ngày 22 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1992), hưởng thọ 72 tuổi.