Dữ liệu doanh số được Nikkei Asia tổng hợp từ công bố của các tập đoàn công nghiệp ở những quốc gia gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Theo đó, doanh số ôtô ở Malaysia – vốn đứng thứ 3 khu vực suốt một thời gian dài – đã vượt Thái Lan quý thứ 3 liên tiếp để trở thành thị trường ôtô thứ hai Đông Nam Á.
Theo Hiệp hội ôtô Malaysia (MAA), doanh số tăng 5% trong quý I vừa so với cùng kỳ 2023, với 202.245 xe. Trong cả năm 2023, doanh số toàn thị trường này từng đạt mức kỷ lục với 799.731 xe bán ra.
Việc miễn thuế với xe sản xuất trong nước ví như luồng gió thổi xuôi chiều dành cho các thương hiệu nội địa như Perodua và Proton hiện nắm giữ khoảng 60% thị phần.
Chính sách miễn thuế bắt đầu vào năm 2020 – thời kỳ đại dịch Covid-19 – và dù đã dừng vào giữa 2022 – quá trình hoàn tất những đơn hàng đã đặt từ trước vẫn giúp tăng doanh số trong năm 2023. “Nhiều mẫu xe mới ra mắt gồm xe điện với mức giá cạnh tranh cũng làm tăng doanh số”, MAA nói trong một thông báo.
Ivan Khoo – một nhân viên bán xe của Toyota ở Kuala Lumpur – nói doanh số trong 2 tháng đầu năm nay tốt hơn dự kiến, và rằng Vios là xe bán chạy nhất nhờ giá ở mức 21.000 USD.
“Tôi thấy cả hai phân khúc, xe Toyota động cơ đốt trong và hybrid, đều tiếp tục tăng trưởng tốt”, Khoo nói.
Ngược lại, doanh số ôtô ở Thái Lan đang giảm. Được biết đến như “Detroit của châu Á” bởi sự tập trung của ngành công nghiệp ôtô, Thái Lan từ lâu nắm giữ vị trí thứ 2 cho đến khi doanh số giảm 25% trong quý I vừa qua so với cùng kỳ 2023.
Doanh số ôtô hàng tháng ở Thái Lan đã giảm so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 6/2023 do mức nợ xấu tăng và tiêu dùng trì trệ. Thị phần xe điện tăng trưởng nhờ sự gia nhập của các hãng xe Trung Quốc.
Indonesia cũng thiếu đà tăng trưởng. Doanh số ôtô trong quý I giảm 24% do lãi suất tăng khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua sắm. Trong 2023, doanh số xe chỉ nhỉnh hơn 1 triệu, giảm 4% so với 2022 và ít hơn 30.000 xe so với năm 2019, thấp hơn so với mục tiêu 1,05 triệu xe của Hiệp hội Công nghiệp Ôtô Indonesia (Gaikindo).
Ở Việt Nam, hết quý I, doanh số VAMA và các hãng nhập khẩu đạt 58.165 xe, giảm 18%. Trong khi đó, thị trường Philippines tăng 13% – mức cao nhất trong 5 quốc gia.
Với cả năm 2024, Hiệp hội ôtô Malaysia ước tính mức giảm 7,5% tổng doanh số xe, dù tình hình kinh doanh của dòng xe hybrid và xe thuần điện dự kiến tăng trưởng.
“Việc chi tiêu, mua sắm có thể giảm do những lo ngại về quá trình hợp lý hóa mức hỗ trợ, chi phí sinh hoạt cao, việc áp dụng đề xuất thuế hàng hóa giá trị cao, và thuế dịch vụ cao hơn đối với một số dịch vụ gồm sửa chữa và bảo dưỡng ôtô”, MAA nói.