Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Cục Hàng không vừa thành lập đoàn kiểm tra việc bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không từ đầu năm tới nay.
Đoàn gồm 10 người do ông Đỗ Hồng Cẩm – Phó cục trưởng Cục Hàng không làm trưởng đoàn. Đoàn sẽ kiểm tra trong 3 ngày, từ 7 đến 9/5.
Ngày 3/5, Bộ trưởng Giao thông vận tải yêu cầu Vụ Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, rà soát tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao. Trường hợp phát hiện bất thường, Cục được yêu cầu kịp thời xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo về Bộ trước ngày 10/5.
Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Gần đây một số ý kiến cho rằng giá vé máy bay tăng cao quá mức, một phần do phải chịu thuế, phí không hề nhỏ, với trên 20 loại cả trực tiếp và gián tiếp. Trả lời hoài nghi này, lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết các khoản phí trong giá vé máy bay là “giá dịch vụ chuyên ngành hàng không”, không phải là phí thuộc ngân sách nhà nước theo Luật Phí và lệ phí. Do đó, giá vé tăng cao không do thuế, phí.
Khảo sát của VnExpress đầu tháng 3 cho thấy, giá vé nhiều chặng bay nội địa trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 cao gấp 1,5 lần ngày thường. Đơn cử, chặng Hà Nội – Quy Nhơn, giá vé máy bay khứ hồi đi các ngày 27/4-30/4 là 5 triệu đồng, cao hơn 600.000 so với một tháng trước cao điểm và cao hơn 2 triệu đồng so với một tuần sau cao điểm.
Năm ngoái, dữ liệu phòng vé của Best Price cho thấy khách hàng đặt vé máy bay khứ hồi sát ngày chặng Hà Nội – Quy Nhơn cho hành trình 28/4-1/5 là 2,3 triệu đồng mỗi người.
Thị trường hàng không năm nay cũng có nhiều biến động khi một số hãng tái cấu trúc doanh nghiệp, giảm quy mô đội tàu bay. Bamboo Airways trước đây có 28 máy bay, giờ chỉ còn vài chiếc hoạt động sau khi trả công ty cho thuê toàn bộ máy bay Embraer E190. Pacific Airlines đã trả hết máy bay để xóa nợ và không còn máy bay khai thác.
Ngoài ra, đầu năm nay, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney (PW) phải triệu hồi động cơ để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Vietnam Airlines và Vietjet Air có khoảng 40 máy bay sử dụng động cơ này nên sẽ phải dừng khai thác năm 2024-2025 để bảo dưỡng, thậm chí thời gian khắc phục có thể lâu hơn dự kiến. Do đó, đội tàu bay các hãng đều giảm, một số phải thuê ngoài với chi phí cao.