Theo ông Kusdiana, gói tài chính trên là một phần trong chính sách thúc đẩy sử dụng phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường. Các khoản trợ cấp này sẽ áp dụng với việc mua 800.000 xe máy điện mới và chuyển đổi 200.000 xe máy sử dụng động cơ đốt trong.
Ông Kusdiana cho hay, chính phủ đang đưa ra các ưu đãi và trợ cấp về thuế đối với ô tô điện, ô tô hybrid và xe máy điện để từng bước đạt mục tiêu vận hành 2 triệu chiếc ô tô điện và 13 triệu xe máy điện vào năm 2030.
Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái xe điện, trong đó có việc tăng cường xây dựng các trạm sạc xe điện công cộng. Ước tính đến năm 2030, Indonesia cần có 32.000 trạm sạc xe điện công cộng để đáp ứng nhu cầu.
Ngoài việc xây dựng các trạm sạc, việc cung cấp hệ thống sạc tại nhà cũng được coi là quan trọng. Để tạo điều kiện thuận lợi, công ty điện lực nhà nước Indonesia đã đưa ra các ưu đãi, chẳng hạn như giá đặc biệt cho việc nâng cấp hệ thống điện và giảm giá sạc qua đêm.
Những biện pháp này được thực hiện nhằm khuyến khích nhiều người sử dụng xe điện hơn bằng cách giúp việc sạc pin trở nên thuận tiện và tiết kiệm chi phí.
Ông Kusdiana nhấn mạnh, giao thông vận tải đường bộ đang đóng góp tích cực vào chiến lược giảm lượng phát thải CO2 thông qua xây dựng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải hạng nặng.
Hiện Indonesia đã đưa ra thị trường 11,8 triệu tấn dầu diesel sinh học và xăng sinh học B35. Đây là bước quan trọng để giảm lượng khí thải giao thông, bảo vệ môi trường. Chương trình này có thể giảm lượng khí nhà kính tới 34,9 triệu tấn CO2.