Báo cáo thị trường F&B do iPOS.vn công bố mới đây cho thấy ShopeeFood đang là kênh bán đồ ăn trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam với 42,94% doanh nghiệp sử dụng. Về phía người dùng, có tới gần 50% người được hỏi cho biết sẽ chọn ShopeeFood để đặt đồ ăn nếu tất cả các nền tảng khác cùng không khuyến mãi.
Nền tảng này cũng mang lại 41% nguồn doanh thu cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, theo báo cáo.
ShopeeFood đang hoạt động tại 22 địa phương ở Việt Nam. ShopeeFood chính thức ra mắt vào năm 2021 sau khi công ty mẹ là SEA có trụ sở Singapore, thâu tóm ứng dụng giao đồ ăn Now của Việt Nam.
Ngoài ShopeeFood, SEA cũng đang vận hành ví điện tử ShopeePay – được đổi tên từ AirPay, ở Việt Nam. Trước đó, AirPay vốn chỉ là ví điện tử để game thủ mua thẻ chơi, thanh toán hoá đơn. Ví này được Vietnam Esport phát triển trong đó SEA là cổ đông lớn.
Hiện tại, mọi giao dịch thanh toán trên sàn thương mại điện tử Shopee hay đặt đồ ăn ShopeeFood đều được thực hiện bởi ShopeePay. Trong khi đó, người dùng cũng có thể đặt đồ ăn ngay trên chính ứng dụng thương mại điện tử Shopee. Điều này tạo ra một hệ sinh thái khép kín của SEA tại Việt Nam.
Tương tự các kỳ lân khác trong khu vực như GoTo (Indonesia) hay Grab (Singapore), SEA bắt đầu để ý tới mảng tài chính trong thời gian gần đây, khai thác dựa trên lượng người dùng khổng lồ và vị thế chi phối trên thị trường.
SEA đã ra mắt dịch vụ mua trước, trả sau với tên gọi là ShopeePayLater, cung cấp một hạn mức cho người dùng chi tiêu trước và hoàn trả theo từng kỳ sau đó. Đối với nhà bán hàng, công ty vừa ra mắt dịch vụ cho vay có tên là SEasy.
SEA cho biết dịch vụ này cho phép người bán đảm bảo sự liền mạch dòng tiền và có thể mở rộng kinh doanh trên nền tảng.
Với chiến lược cung cấp hệ sinh thái tiện lợi theo hướng đa nền tảng, Shopee đã thu được trái ngọt trong năm qua khi trở thành động lực tăng trưởng chính cho SEA, vượt qua mảng kiếm tiền truyền thống là game. Tỷ trọng đóng góp doanh thu của Shopee trong tập đoàn SEA tăng từ 38% năm 2019 lên 69% năm 2023.
Nhà sáng lập kiêm CEO Forrest Li cho biết Shopee đã gia tăng thị phần đáng kể trong năm 2023 và ban lãnh đạo công ty đặt mục tiêu hoà vốn vào nửa cuối năm nay. CEO Li cho biết vị trí dẫn đầu thị trường của Shopee mang lại cho công ty quy mô kinh tế phù hợp và cho phép họ kiếm tiền tốt hơn.
Quan sát, trong thời gian tới, đường đi không hề bằng phằng với Shopee khi nền tảng này đang vướng phải một đối thủ khó nhằn là TikTok Shop. Không riêng gì Việt Nam, TikTok Shop đang vươn lên một cách mạnh mẽ trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là sau khoản đầu tư 1,5 tỷ USD để tiếp quản Tokopedia ở Indonesia đã phả thêm hơi nóng vào Shopee.
Hình thức shoppertainment (mua sắm giải trí) được phát triển mạnh mẽ nhờ kho nội dung đa dạng, cuốn hút của TikTok cũng đang là lực đẩy cho TikTokShop nhanh chóng lọt top sàn thương mại điện tử có thị phần lớn ở Việt Nam, chỉ xếp sau Shopee.
Để chống lại cạnh tranh đó, Shopee không chỉ đẩy mạnh các hoạt động livestream bán hàng mà còn tìm cách gia tăng trải nghiệm để thu hút người mua. Đơn cử, đầu tháng 3, Shopee là sàn đầu tiên tại Việt Nam cho phép người mua hoàn trả sản phẩm sau 15 ngày kể từ khi nhận được hàng. Phí vận chuyển hoàn về cũng được miễn.
Shopee cho phép người mua có thể yêu cầu trả hàng hoặc hoàn tiền với lý do “không còn nhu cầu hoặc thay đổi quyết định sau khi mua hàng”. Trao đổi với tờ Dân trí, đại diện Shopee cho biết chính sách hoàn trả trong 15 ngày được coi là “một trong các nỗ lực của sàn đề đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”.