Hai tháng gần đây, trong bối cảnh thiếu máy bay trầm trọng, các hãng hàng không Việt phải tăng tần suất khai thác tàu bay để bổ sung thêm nhiều chuyến nội địa vào buổi đêm và sáng sớm.
Theo Cục Hàng không, Vietnam Airlines đã tăng thời gian khai thác mỗi tàu từ 10 giờ một ngày lên 11 giờ và có thể tới 12 giờ trong giai đoạn cao điểm.
Tương tự, mỗi tàu bay Vietjet cũng bay trên 13 giờ một ngày. Còn Vietravel Airlines và Bamboo Airways tăng khai thác tàu bay từ 11-12 giờ lên 12,5 giờ một ngày.
Theo đó, hãng hàng không quốc gia dự kiến tăng thêm khoảng 2.000 chuyến sau 21h hàng ngày, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn. Vietjet tăng 3.100 chuyến trên toàn mạng bay nội địa, tương đương 1,4 triệu vé được bổ sung.
Giá vé đêm cũng rẻ hơn các chuyến bay ban ngày vào dịp cao điểm hè. Ví dụ, trên đường bay vàng Hà Nội – TP HCM, chuyến bay đêm trong tháng 7 có thể thấp hơn gần 20% so với các chuyến ban ngày.
Chặng Hà Nội – Nha Trang, vé một chiều của Vietnam Airlines từ 1,9 triệu đồng, thấp hơn khoảng 40% so với các chuyến bay giờ đẹp trong ngày.
Từ nửa cuối năm ngoái đến nay, mặt bằng vé máy bay nội địa tăng cao bởi tải cung ứng của các hãng hàng không nội địa giảm do thiếu hụt tàu bay trầm trọng. Dải vé giá rẻ thời gian qua chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng vé cung ứng ra thị trường của các hãng.
Cụ thể, theo số liệu của nhà quản lý, trên chặng TP HCM – Phú Quốc của Vietnam Airlines, tỷ lệ vé giá cao tăng mạnh nhất, gần 53%, trong khi cùng kỳ năm trước hơn 32%. Với chặng Hà Nội – Đà Nẵng của Bamboo Airways tăng từ 15,4% lên 26%.
Tượng tự, Vietravel Airlines phân khúc giá cao tăng mạnh nhất trên đường bay Hà Nội – Đà Nẵng, từ 9,4% năm 2023 lên 22% năm nay.
Kiểm tra việc bán vé của các hãng tháng trước, Cục Hàng không khẳng định doanh nghiệp bán vé đúng quy định, không trường hợp nào vượt quá mức trần.
Tuy nhiên, thực tế mức giá thấp cho các chuyến bay đêm cũng chưa đủ hấp dẫn khách hàng. CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết riêng tháng 5, hãng đã hủy 10% số chuyến bay đêm vì không có khách. Điều này khiến doanh nghiệp mất chủ động cho giai đoạn cao điểm sắp tới.
Lý do khách hàng chưa sẵn sàng bay đêm, theo ông Hà, họ có thể mất thêm một đêm lưu trú khi chính sách nhận/trả phòng của các khách sạn chưa linh hoạt. Đồng thời, các phương tiện công cộng khác phục vụ nhu cầu di chuyển ban đêm cũng chưa thuận lợi.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel và Vietravel Airlines (hai doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, hàng không), cũng cho rằng bay đêm rất khó có khách. Là người lâu năm trong nghề, nên ông Kỳ hiểu tâm lý khách hàng, bởi thông thường những người có tiền đi du lịch không ai chọn phải khổ sở để bay ban đêm.
Theo ông, việc bay đêm chỉ phù hợp với dịp cao điểm Tết để phục vụ người dân về quê hoặc mô hình các chuyến charter (thuê bao nguyên chuyến) tới các địa điểm xa, thời gian bay dài. Trong trường hợp du lịch nước ngoài, bay đêm sẽ giúp du khách tiết kiệm được chi phí khách sạn đêm đầu tiên.
Hồi tháng trước, lãnh đạo một hãng hàng không tư nhân cũng chia sẻ tăng chuyến bay đêm để phục vụ hành khách với mức giá tốt. Nhưng thực tế, doanh nghiệp còn phải chịu chi phí cao hơn ban ngày vì phát sinh thêm phụ thu chuyến đêm.
Dù vậy, lãnh đạo Vietnam Airlines vẫn nhận định còn dư địa để phát triển chuyến bay đêm nếu có cách tạo dựng thói quen mới cho du khách. Với Vietnam Airlines, hãng làm việc cùng các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup… thiết kế tour du lịch kết hợp bay đêm, hay giảm 50% hoặc miễn phí khách sạn đêm đầu tiên cho du khách.
Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cũng đề xuất các doanh nghiệp khách sạn có chính sách đa dạng các khung giờ nhận/trả phòng để khuyến khích du khách bay đi và về vào các khung giờ không cao điểm trên các đường bay nội địa. Từ đó, du khách có thể tận dụng được giá vé rẻ của ngành hàng không.