Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO3 – Mã: PGV) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 tại TP HCM. Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được cổ đông thông qua.
Năm nay, PGV đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ 40.384 tỷ đồng giảm 10%, lợi nhuận sau thuế 196 tỷ đồng giảm 90% so với thực hiện năm 2023. Kế hoạch sản lượng điện là 25,35 tỷ kWh giảm 3% so với cùng kỳ (26 tỷ kWh). Mức cổ tức dự kiến là 5% bằng tiền mặt.
Sang năm 2025, ông Lê Văn Danh – Tổng Giám đốc PGV dự báo sản lượng điện sản xuất sẽ tăng cao, khoảng 26-27 tỷ kWh. Song, công ty vẫn tự tin về lượng điện sản xuất, vì khi đường dây 500 kV mạch 3 hoàn thành sẽ giúp tăng cường truyền tải điện từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc, ước tính thêm 2.000 MW.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác giúp sản lượng điện tăng cường đến từ nguồn khí LNG, vì trong thời gian tới sẽ có 2 nhà cung cấp khí LNG. “Như vậy, có thể tăng khai thác các cụm Phú Mỹ hoặc xa hơn là cụm ở Bà Rịa với 390 MW, nơi PGV nắm 79% cổ phần của Nhiệt điện Bà Rịa”, ông Danh nói.
Theo lãnh đạo PGV, tại khu vực Đông Nam Bộ, PV GAS hiện là đơn vị cung cấp LNG tái hoá duy nhất. Song, trong thời gian tới, Hải Linh sẽ có kho cảng LNG công suất lớn hơn, khoảng 10 triệu m3/ngày, kế bên Thị Vải của PV GAS và dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 9.
Về tình hình vận hành của các nhà máy điện của PGV, ông Danh cho biết, từ ngày 11/4, A0 (Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia) đã huy động điện từ Phú Mỹ 3, do EVN giao cho PGV vận hành và bảo trì. Phú Mỹ 2.1 và Phú Mỹ 4 được giao cho PGV vận hành từ 27/4. Dự kiến tháng 2/2025, PGV sẽ bàn giao nhà máy BOT Phú Mỹ 2.2 cho EVN.
Theo đó, Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 sẽ vận hành bằng LNG tái hoá. Phú Mỹ 1 ưu tiên chạy bằng khí nội địa vì nguồn khí nội địa vẫn còn, dự báo đến năm 2025 vẫn còn hơn 2,6 tỷ m3 khí. Phú Mỹ 2.1 và Phú Mỹ 4 chạy LNG tái hoá, cộng một phần khí nội địa còn dư.
Khoản lỗ tỷ giá sẽ được EVN bù lại
Theo BCTC quý I/2024, PGV lỗ sau thuế gần 652 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 621 tỷ đồng. Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Mộng Hùng, thành viên HĐQT độc lập cũng cho biết tình hình năm nay bất lợi về sản xuất và phát điện.
Trong 5 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sản xuất điện của PGV chỉ đạt 103 tỷ đồng chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá. Lãnh đạo PGV dự báo, mục tiêu lợi nhuận (196 tỷ đồng) là khá thách thức đối với công ty trong năm nay, vì từ tháng 7 trở đi sản lượng điện sẽ giảm vì các yếu tố thời tiết.
Liên quan đến câu chuyện lỗ chênh lệch tỷ giá của PGV, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng Giám đốc PGV cho rằng, PGV có dư nợ vay ngoại tệ lớn, đặc biệt là đồng USD. Khoản vay này chủ yếu để đầu tư vào dự án Nhiệt điện Mông Dương và Vĩnh Tân 2. Số dư hiện tại còn hơn 1 tỷ USD. PGV cho biết cũng gặp áp lực lớn trước các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về thắt chặt tiền tệ, gây tác tác động lớn đến tỷ giá.
Bà Hương cũng cho biết, vào cuối tháng 12 hàng năm, công ty sẽ đánh giá lại chênh lệch tỷ giá. Thông thường, PGV sẽ tính toán chênh lệch tỷ giá trả nợ trong năm, tỷ lệ tỷ giá thực tế trả nợ sẽ so sánh với tỷ giá giá đàm phán khi ký kết hợp đồng. Khi phát sinh chênh lệch tỷ giá, PGV sẽ báo cáo Bộ Công Thương xem xét thanh toán lại.
Từ năm 2015 đến năm 2018 và quý I/2019, PGV đã được EVN thanh toán số tiền chênh lệch tỷ giá. Số còn lại của năm 2019 đến năm 2023, PGV đã tính toán và báo cáo EVN, Bộ Công Thương để sau này có nguồn thì xem xét thanh toán. Số hiện tại là 3.772 tỷ đồng.
Theo Phó Tổng giám đốc PGV, năm 2023 công ty có hơn 837 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá, nếu được thanh toán nguồn này sẽ là khoản rất lớn để bù đắp khoản lỗ chênh lệch tỷ giá (828 tỷ đồng). “Đây chưa phải là hiện thực hoá, mà là nghiệp vụ kế toán để phản ánh được dư nợ thực tế ngoại tệ quy đổi theo VND là bao nhiêu. Việc thanh toán sẽ tiến hành theo khoản nợ thực tế, hàng năm phải trả bao nhiêu và so sánh giữa tỷ giá trả nợ và tỷ giá trong hợp đồng EVN mua bán điện”, bà Hương nhấn mạnh.
Một nội dung quan trọng khác tại đại hội là việc bổ sung ngành nghề kinh doanh cho PGV là: Cho thuê chứng chỉ công nghệ năng lượng xanh I-REC, mục đích là để công ty tham gia kinh doanh chứng chỉ năng lượng xanh I-REC của các nhà máy thuỷ điện và năng lượng tái tạo.