Theo hồ sơ đăng ký gửi cơ quan Quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore (ACRA), startup thương mại điện tử B2B của Việt Nam, Vigo Retail, đã huy động được nguồn vốn mới từ Argor Capital Management, Wavemaker Partners và Patamar Capital, theo DealStreetAsia.
Hồ sơ cho thấy Vigo Retail đã huy động được 9,4 triệu USD từ các nhà đầu tư trong vòng Series A1. Nhà đầu tư dẫn đầu Argor Capital, trước đây là Go-Ventures, đã góp 7,5 triệu USD cho vòng gọi vốn, trong khi Wavemaker Partners rót 1,5 triệu USD.
Theo DealStreetAsia, việc góp vốn thứ hai vòng gọi vốn được lên kế hoạch vào quý III năm nay.
Được thành lập vào năm 2020 bởi Santhosh Raghunathan và Nam Nguyễn, startup Vigo cung cấp dịch vụ phân phối cho các nhà bán lẻ truyền thống. Nền tảng này giúp kết nối các nhà bán lẻ với các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), nhà phân phối và nhà bán buôn. Các nhà bán lẻ có thể đặt hàng hóa tiêu dùng 24/7 thông qua ứng dụng Vigo, trong khi các doanh nghiệp nhỏ có thể nắm giữ và bán hàng tồn kho vi mô thông qua startup.
Trước khi thành lập công ty, ông Raghunathan từng là Tổng giám đốc tại Colgate-Palmolive. Trong khi đó, ông Nam Nguyễn có 10 năm kinh nghiệm trong ngành hàng tiêu dùng, từng làm việc tại các công ty như Unilever, Philip Morris và SC Johnson.
Vigo Retail trước đó đã huy động được 1 triệu USD vòng gọi vốn hạt giống từ Wavemaker Partners và Saison Capital. Theo DATA VANTAGE, vào năm 2022, Vigo Retail đã huy động được 16,9 triệu USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, bao gồm Argor, Patamar, Pavilion Capital và Saison Capital.
Trong giai đoạn sôi động năm 2022, ngành thương mại điện tử B2B ở Đông Nam Á thường được các nhà đầu tư ưu ái. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lĩnh vực này dường như đã mất đi sức hút làm dấy lên những câu hỏi về tính bền vững.
Theo ông Bùi Sĩ Phong, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của startup chợ trực tuyến B2B Telio Việt Nam, trước đây ngành thương mại điện tử B2B tại Việt Nam tập trung vào tăng trưởng nhanh chóng và mở rộng quy mô bằng cách bán một số lượng nhỏ các mặt hàng chủ chốt (SKU). Các doanh nghiệp B2B thường chỉ tập trung vào bán một vài mặt hàng có lợi nhuận cao, bỏ qua các sản phẩm khác.
Tuy nhiên, ngày nay, thương mại điện tử B2B đang chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững hơn. Thay vì chỉ tập trung vào một vài SKU, các doanh nghiệp B2B đang mở rộng danh mục sản phẩm của họ để cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp.
Tháng 8 năm ngoái, Telio được cho là đã huy động 15 triệu USD trong một vòng gọi vốn từ quỹ đầu tư Granite Oak có trụ sở tại London. Trước đó vào tháng 11/2021, startup thương mại điện tử B2B có trụ sở tại Hà Nội này đã huy động được 51 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B từ kỳ lân công nghệ Việt Nam VNG và các nhà đầu tư hiện hữu là GGV Capital và Tiger Global. Vậy nhưng, VNG – công ty đã đầu tư 22,5 triệu USD trong vòng gọi vốn, đã ghi nhận khoản lỗ từ khoản đầu tư vào Telio.
Trong khi đó, Kilo – nền tảng thương mại điện tử B2B Việt Nam kết nối các nhà bán buôn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME), được cho là đã ngừng hoạt động và đang hướng đến việc chuyển sang lĩnh vực khác. Công ty được thành lập vào năm 2020 nhằm số hóa chuỗi giá trị bán lẻ thông qua công nghệ.
Những tên tuổi khác trên thị trường bao gồm VinShop và Ninja Mart. Theo Mordor Intelligence, thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến tăng trưởng từ 246,65 tỷ USD vào năm 2023 lên 435,59 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 12,05%.