Sau gần 2 tháng Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn cho vay đối với khách hàng một cách hợp lý; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Động thái này được dư luận xã hội đánh giá cao và ghi nhận một số tín hiệu tích cực có tác động tới diễn biến thị trường; đặc biệt trong một số ngành như bất động sản hay xây dựng. Mặc dù vậy, cũng còn nhiều doanh nghiệp vẫn phải cân nhắc lựa chọn khi tiếp cận nguồn vốn giá rẻ trong bối cảnh hiện nay.
Đánh giá về triển vọng của thị trường vốn trong thời gian tới, Chuyên gia độc lập về tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng đang cạnh tranh với các thị trường khác như bất động sản và chứng khoán để thu hút vốn huy động; đồng thời đang nỗ lực cho vay để kiếm lời và bù đắp những chi phí; trong đó có dự phòng rủi ro cho nợ xấu.
Trước những thách thức đó, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán để giảm lãi suất cho vay là sự cố gắng để góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy sản suất. Tuy nhiên, nếu tiếp tục giảm lãi suất liệu có là phương án khả thi hay không lại là điều khác. Bởi điều cốt lõi vẫn là mối quan tâm và việc tiếp cận vốn giá rẻ của số đông doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, các quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất cho vay thường có mục tiêu hỗ trợ tăng cường hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế sau những thách thức như dịch bệnh hay suy thoái. Với lãi suất thấp hơn, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí tài chính trong quá trình vay vốn. Điều này giúp giảm giá thành sản phẩm và tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, lãi suất thấp cũng giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó có nguồn tiền đầu tư vào mở rộng kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng, và phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới.
Ông Trần Văn Phan, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn Giải pháp CENVI – chuyên về dịch vụ kế toán, cho hay, thực tế chắc chắn là đã có tác động tích cực. Bằng chứng là nhìn vào các hồ sơ, báo cáo thuế của doanh nghiệp sẽ thấy. Tuy nhiên, giá vốn rẻ hơn không đồng nghĩa với việc tiếp cận dễ dàng hơn. Bởi hiện tại, phía các ngân hàng cũng thẩm tra hồ sơ cho vay rất chặt chẽ và cẩn thận. Quan ngại về nợ xấu vẫn luôn hiện hữu; nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng sụt giảm mạnh như trong những tháng vừa qua.
Theo ông Phan, phía các ngân hàng cũng còn nhiều tài sản nợ xấu cần xử lý mà chưa có cách tháo gỡ. Hiện tại, nhiều ngân hàng đang chủ trương xét duyệt và thẩm định hồ sơ vay thông qua báo cáo thuế thay vì báo cáo kiểm toán như trước đây. Đó là điều kiện không dễ thực hiện đối với nhiều doanh nghiệp và trở ngại này có thể là lý do khiến các doanh nghiệp e ngại tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.
Từ thực tiễn doanh nghiệp, bà Đặng Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Du học Quốc tế WOORI chia sẻ, mặc dù lãi suất vay hạ nhiệt, việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp đã thuận lợi hơn nhiều so với trước kia. Nhất là trong trường hợp doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi thì sẽ đều được tạo điều kiện phê duyệt hoặc giải ngân sớm. Tuy nhiên, chỉ khi có thị trường ổn định, đầu ra được đảm bảo mới là yếu tố quyết định việc doanh nghiệp có tiếp cận vốn hay không.
Theo bà Sinh, có thể do chủ trương thúc đẩy cho vay tiêu dùng và sản xuất kinh doanh nên hiện tại phía các ngân hàng thương mại chào hàng rất nhiều ưu đãi. Thủ tục và lãi suất đều ở mức “chấp nhận” được nên cũng như nhiều đơn vị khác, WOORI đang triển khai đầu tư thêm ở 1 số mảng dịch vụ và thúc đẩy hoạt động marketing, mở rộng thị trường và tiếp cận mạnh mẽ khách hàng hơn. Dù sao cũng chỉ còn vài tháng nữa là đã hết năm 2023 nên tranh thủ dịp này và sự mời chào, nhiều ưu đãi từ ngân hàng mà tiếp cận vốn giá rẻ, bà Sinh gợi mở.
Đánh giá cao tác động từ chính sách tiền tệ, ông Trần Văn Thường, Giám đốc Công ty Thiết bị Điện Sơn Đông nhận định, khi ngân hàng giảm lãi suất cho vay, doanh nghiệp được hưởng một số lợi ích; trong đó quan trọng nhất là giảm chi phí vay. Lãi suất thấp giúp doanh nghiệp trả ít tiền hơn cho khoản vay của mình. Điều này có thể làm giảm đi các chi phí tài chính và tăng lợi nhuận.
Thêm nữa, lãi suất thấp cũng giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, dễ dàng huy động vốn hơn trong quá trình đầu tư vào các dự án mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị mới hoặc mở rộng quy mô kinh doanh. Mặc dù, có nhiều tác động tích cực là vậy, song việc giảm lãi suất cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực, như khi lãi suất giảm xuống thấp, ngân hàng sẽ khắt khe hơn với đối tượng vay để tránh rủi ro nợ xấu. Một số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn kém, có tài sản thế chấp không đủ hoặc không minh bạch tài chính cũng có thể gặp khó khăn trong việc vay vốn.
Vì thế, việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc và lựa chọn; đặc biệt là phụ thuộc vào khả năng quản trị dòng tiền, triển vọng sinh lời và thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Thường chia sẻ.