Một tiết mục văn nghệ trong cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tối 5/5/2024 – Ảnh: Vũ Linh
Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam thế kỷ 20, Điện Biên Phủ không chỉ là một đại chiến dịch, gắn với chiến thắng vẻ vang của quân và dân Việt Nam lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu mà còn trở thành một biểu tượng của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước. Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch và trong chiến dịch, Điện Biên Phủ đã trở thành niềm cảm hứng lớn cho văn học nghệ thuật. Cho đến ngày đại thắng, Điện Biên Phủ càng trở thành một niềm cảm hứng mạnh mẽ lay động lòng người, khiến nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo thêm các tác phẩm mới.
Nhân dịp kỷ niệm tròn 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi muốn một lần nữa nhìn lại các tác phẩm với niềm cảm hứng vượt thời gian.
Ngay trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Hoàng Vân khi chứng kiến sự vất vả gian nan của những người chiến sĩ khi ngày đêm phải đưa những cỗ pháo nặng hàng tấn vượt qua dốc núi chiếm lĩnh trận địa, ông đã xúc động viết nên ca khúc “Hò kéo pháo” nổi tiếng. Với giai điệu trầm hùng, mạnh mẽ, nhịp điệu ngày càng linh hoạt, khẩn trương, khỏe khoắn, ca khúc là một bức tranh đặc tả độc đáo khung cảnh chiến trường đồng thời ca ngợi ý chí quyết tâm sắt đá của con người, hướng về ngày chiến thắng: Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo/Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi/Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù/Kéo pháo ta lên trận địa đây vùi xác quân thù. Bài hát “Hò kéo pháo” âm vang mãi cùng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đạt giải Nhất trong Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954, góp phần vinh danh tên tuổi Hoàng Vân vào lịch sử âm nhạc Việt Nam thời hiện đại.
Làm sao có thể kể hết những hy sinh mất mát, những gian nan nhọc nhằn mà những người lính phải trải qua trong chiến dịch. Cái giá của từng mét chiến hào được đo bằng những giọt máu đã đổ xuống của những con người bằng xương bằng thịt. Nhà thơ Chính Hữu dường như không kìm nổi sự xúc động của lòng mình khi phải gọi lên từng cái tên đồng đội thật cụ thể trong bài thơ “Giá từng thước đất”: Ôi những con người mỗi khi nằm xuống/Vẫn nằm trong tư thế tiến công/Bên trái: Lò Văn Sự/Bên phải: Nguyễn Đình Ba/Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự/Có phải các anh vẫn còn đủ cả/Trong đội hình đại đội chúng ta. Những cái tên bình dị nhất đã trở thành bất tử, những con người bình thường nhất đều trở thành anh hùng trong cuộc chiến một mất một còn với quân thù. Từng câu thơ được viết lên bằng cả sự thành kính thiêng liêng: Khi bạn ta lấy thân mình đo bước chiến hào đi/Ta mới hiểu giá từng thước đất/Các anh ở đây/Trận địa ở đây/Trận địa sẽ không lùi nửa thước/Không bao giờ, không bao giờ để mất/Trận địa các anh nằm.
Cho đến ngày chiến thắng, bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu có thể xem như một khúc khải hoàn ca reo vang, vừa có giá trị tổng kết cả chặng đường chiến dịch gian khổ mà hào hùng, vừa là bản tụng ca một vinh quang lịch sử: Của ta trời đất đêm ngày/Núi kia, đồi nọ, sông này của ta/Chúng bay chỉ một đường ra/Một là tử địa hai là tù binh/Hạ súng xuống rùng mình run rẩy/Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm/Nghe trưa nay tháng năm, mùng bẩy/Trên đầu bay thác lửa hờn căm/Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ/Tướng quân bay lố nhố cờ hàng/Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng/Rực trời đất Điện Biên toàn thắng. Có một cặp lục bát thật độc đáo trong bài thơ của Tố Hữu với 5 màu sắc như 5 cánh hoa rực rỡ dâng lên mừng đại công: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng kịp thời có ngay ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” đầy nô nức chiến thắng trong âm vang hào hùng: Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui/Bản mường xưa nương lúa mới trồng/Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa/…Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc/Đồng bào nao nức mong đón ta trở về/Giờ chiến thắng ta đã về vui mừng đón chúng ta tiến về/Núi sông bừng lên, đất nước ta sáng ngời/Cánh đồng Điện Biên, cờ chiến thắng tưng bừng trên trời. Cảm hứng Điện Biên còn giúp cho một loạt những ca khúc nổi tiếng khác ra đời trong và sau chiến dịch như: “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành), “Đường lên Tây Bắc” (Văn An), “Tình ca Tây Bắc” (Nhạc: Bùi Đức Hạnh, thơ: Cầm Giang), “Bế Văn Đàn còn sống mãi” (Huy Du), “Em bé Mường La” (Trần Ngọc), “Nhớ anh Phan Đình Giót” (An Thuyên)…
Bên cạnh thi ca và âm nhạc, cảm hứng Điện Biên Phủ còn in dấu trong nhiều ngành nghệ thuật khác như mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh…
Gần 9 năm sau chiến thắng chấn động địa cầu, họa sĩ Nguyễn Sáng đã hoàn thành bức sơn mài độc đáo bậc nhất nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam với tên gọi: “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ“. Tác phẩm có kích thước 112.3x180cm, được xem là bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam. Nguyễn Sáng qua bức tranh đã chọn được nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Buổi kết nạp Đảng trang nghiêm và dường như phải diễn ra hết sức khẩn trương bởi thời khắc cam go giữa hai trận đánh. Nhân vật trung tâm sắp được kết nạp Đảng, đầu quấn băng trắng, mắt hướng nhìn lá cờ. Các nhân vật khác đều được khắc họa trong trạng thái chuyển động.
Theo các nhà phê bình mỹ thuật, tác phẩm được thể hiện một cách giản dị trong không gian nén chặt, cho người xem cảm nhận được sâu sắc về sự khốc liệt căng thẳng của chiến tranh đồng thời tôn vinh tinh thần quả cảm sắt son của con người. Bức tranh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599 (ngày 30 tháng 12 năm 2013) của Thủ tướng Chính phủ và được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nhiều họa sĩ khác như Trần Khánh Chương, Ngô Mạnh Lâm, Vương Duy Biên, Nguyễn Hải cũng đã có những bức tranh về Điện Biên Phủ, trong đó bức Panorama hơn 3.000m2 tái hiện 4.500 nhân vật trong 56 ngày đêm đầy bi tráng ở Điện Biên Phủ của hơn 200 họa sĩ đã được trao giải Nhất giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022.
Về điện ảnh, có thể kể đến những bộ phim truyện, phim tài liệu tiêu biểu như: “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Hoa ban đỏ”, “Ký ức Điện Biên”, “Đường lên Điện Biên”, “Sống cùng lịch sử”, “Vòng vây lửa”.
Về sân khấu, có thể kể đến các vở nổi bật như: “Mối tình Điện Biên” của Lưu Quang Thuận, “Ánh sao đầu núi” của Tào Mạt – Hoài Giao, “Thông điệp Điện Biên” của Nguyễn Khắc Phục và “Bài ca Điện Biên” của Tất Đạt.
Về nhiếp ảnh, có thể kể đến nhiều tác phẩm của Đinh Ngọc Thông, Triệu Đại đã trở nên quen thuộc với đông đảo công chúng.
Vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua, nhà thơ lão thành Hữu Thỉnh vừa công bố trường ca “Giao hưởng Điện Biên” (NXB Quân đội Nhân dân, 2024) dày hơn 300 trang với 21 chương và 5 khúc bình luận. Ông đã ấp ủ và thực hiện trường ca này suốt hơn 20 năm để kịp ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay. Xin được trích một số câu trong chương cuối của bản trường ca này: Ôi hạnh phúc Điện Biên toàn thắng/Tim ta reo ngây ngất trời cao/Ta ngắm mãi lá cờ vất vả/Việt Nam đây!Đau đớn, tự hào/Ta đại thắng trận công kiên lớn nhất/Những hiểm nguy hung tợn rợn người/Điện Biên Phủ vinh danh tổ quốc/Một tầm cao lịch sử truyền đời.
Nhìn lại một mốc son lịch sử với chặng đường 70 năm đã qua, Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào to lớn của mọi thế hệ người Việt Nam, tiếp tục truyền cảm hứng và chắp cánh thêm cho những ước mơ, chắp cánh cho bao tác phẩm văn học nghệ thuật được ra đời để còn mãi cùng năm tháng.