Động thái mới của Mỹ không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu xe điện của Trung Quốc khi phải chịu thêm thuế mà còn tác động tới cả thị trường xe điện thế giới bởi nước này là nhà sản xuất có giá cạnh tranh nhất.
Quyết sách mới của Mỹ
Theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, Mỹ sẽ tăng thuế đối với xe điện từ 25% lên 100%, pin lithium cho xe điện từ 7,5% lên 25%, thành phần quang điện dùng để chế tạo các tấm pin Mặt Trời từ 25% lên 50% và một số khoáng sản quan trọng từ 0% lên 25%. Mức thuế với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ là 25%.
Hãng tin Reuters dẫn lời Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 22/5 cho biết việc tăng thuế mạnh đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm pin xe điện, chip máy tính và các sản phẩm y tế, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới sau khi kết thúc thời gian lấy ý kiến kéo dài 30 ngày.
Nhà Trắng cho hay đợt tăng thuế này sẽ tác động đến lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá tới 18 tỷ USD từ Trung Quốc, bao gồm thép và nhôm, chất bán dẫn, xe điện, khoáng sản quan trọng, pin Mặt Trời và cần cẩu.
Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo mức thuế 100% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc đã ngay lập tức thúc đẩy ứng cử viên Donald Trump hứa hẹn sẽ áp thuế 200% đối với ô tô Trung Quốc được sản xuất tại Mexico nếu ông đắc cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, cả hai chính sách này đều không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường ô tô Mỹ vì lượng xe điện Trung Quốc nhập khẩu vốn đã rất ít do các biện pháp thuế trước đó và nhiều người Mỹ có cái nhìn không thiện cảm về hàng hóa Trung Quốc trong những năm gần đây.
Theo tạp chí Time, hiện Trung Quốc xuất khẩu rất ít xe điện sang Mỹ nên khó có khả năng mức thuế mới sẽ có nhiều tác động trong ngắn hạn. Trong quý đầu tiên của năm 2024, chỉ có một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là Geely xuất khẩu xe điện sang Mỹ và hãng này chiếm chưa đến 1% thị phần. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden giải thích họ lo ngại về lâu dài, các khoản trợ cấp cho ngành xe điện có thể giúp phía Trung Quốc giành được thị phần lớn hơn.
Việc áp thuế mới cùng với những phàn nàn của Mỹ về việc Trung Quốc sản xuất quá nhiều và gây sức ép lên hệ thống kinh tế toàn cầu, cho thấy những lo lắng sâu sắc về khả năng cạnh tranh quốc tế của Mỹ. Những lo ngại này xuất hiện bất chấp các biện pháp thuế quan trước đó, hạn chế xuất khẩu và chính sách công nghiệp được đẩy mạnh thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học và Đạo luật Giảm lạm phát (IRA). Với việc leo thang căng thẳng thương mại, chính quyền Mỹ dường như đang thừa nhận rằng các chính sách trước đây này đã không hiệu quả và Trung Quốc đang phát triển vượt bậc bất chấp những “cơn gió ngược”.
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất xe điện có giá cạnh tranh nhất nhờ vào các khoản trợ cấp “hào phóng” cho người tiêu dùng bắt đầu từ năm 2010. Việc đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng sạc và yêu cầu nội địa hóa linh kiện cũng tạo lợi thế cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Với những chính sách này, Trung Quốc đã có thể hưởng lợi từ các yếu tố bên ngoài mạng lưới và việc học hỏi qua thực hành.
Một số điều khoản của IRA và Thỏa thuận Xanh của châu Âu, bao gồm yêu cầu nội địa hóa, nhằm mục đích học hỏi thành công của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu vấp phải bất lợi lớn về chi phí so với Trung Quốc. Bất kể việc liệu các yêu cầu nội địa hóa trước đây của Trung Quốc có “công bằng” hay không thì ngành xe điện của nước này vẫn đang cạnh tranh hơn, đặc biệt là trong phân khúc giá rẻ của thị trường.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, việc sử dụng xe điện Trung Quốc giá rẻ sẽ là một bước tiến đúng hướng. Tuy nhiên, mức thuế hiện nay sẽ làm chậm quá trình sử dụng xe điện và có thể đe dọa toàn bộ thị trường này. Trong kịch bản tốt nhất, các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu sẽ bắt kịp Trung Quốc, nhưng phải mất nhiều năm. Còn trong kịch bản xấu nhất, người tiêu dùng Mỹ sẽ từ bỏ xe điện vì chi phí sản xuất cao ở các nước phương Tây.
Ai sẽ là người hưởng lợi lớn nhất?
Sau khi Mỹ áp thuế 100% lên xe điện Trung Quốc, các nước trên thế giới đang cân nhắc cách ngăn chặn xe điện do Trung Quốc sản xuất gia nhập thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc giá thành xuất khẩu xe điện Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể.
Kết quả phân tích cho thấy nếu tất cả các nước trên thế giới đều tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất thì xuất khẩu của các nước phát triển khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu sẽ tăng.
Báo cáo nghiên cứu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy nếu giả định rằng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác trên thế giới tăng thuế đối với xe điện và xe hybrid (xe chạy xăng và điện) của Trung Quốc thêm 20% xuất khẩu của Trung Quốc vào các quốc gia này sẽ giảm đáng kể.
Việc Mỹ áp thuế 100% lên xe điện Trung Quốc ảnh hưởng đến nhiều bên liên quan, và lợi ích mang lại cũng không đồng đều. Giá xe điện dự kiến sẽ tăng cao do thuế nhập khẩu, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người tiêu dùng. Nhưng điều này có thể thúc đẩy sản xuất xe điện nội địa, tạo thêm việc làm và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng xe điện nội địa Mỹ hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và giá cả có thể cao hơn so với xe điện Trung Quốc ngay cả sau khi tính thuế.
Từ góc độ khu vực, mức giảm xuất khẩu xe điện và xe hybrid do Trung Quốc sản xuất là 59,6% đối với Nhật Bản, 60,2% đối với Hàn Quốc, 62,9% đối với Mỹ, 53,4% đối với EU và 60,3% đối với các nước khác trên thế giới.
Báo cáo dự đoán rằng xuất khẩu giảm từ Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng xuất khẩu từ các nước khác. Xuất khẩu xe điện và xe hybrid của Mỹ tăng 13,6%, mức tăng lớn nhất, tiếp theo là Hàn Quốc ở mức 10%, EU ở mức 7,8% và Nhật Bản ở mức 4,6%. Sản lượng xe điện và xe hybrid trong nước cũng sẽ tăng ở Nhật Bản (4,6%), Hàn Quốc (7,5%), Mỹ (6,5%) và EU (7,8%), nhờ xuất khẩu tăng.
Trên thực tế, các nhà sản xuất xe điện Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng linh kiện từ Trung Quốc. Do đó, nếu Trung Quốc áp dụng biện pháp trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu linh kiện sang Mỹ, hoạt động sản xuất xe điện nội địa có thể bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia ước tính khi doanh số bán xe điện ở Trung Quốc chậm lại, lợi ích kinh tế thị trường sẽ giảm 2,6 tỷ USD. Ngược lại, Mỹ dự kiến sẽ thu được lợi nhuận khoảng 709 triệu USD, Hàn Quốc (173 triệu USD) và Nhật Bản (125 triệu USD).
Trong khi đó, với giả thuyết nếu tất cả các nước trên thế giới đều tăng thuế đối với các bộ phận phụ tùng xe điện do Trung Quốc sản xuất thêm 20%. Trong trường hợp này, xuất khẩu linh kiện xe điện của Trung Quốc sẽ giảm 23,9%. Ngược lại, sản xuất phụ tùng xe điện ở các nước khác lại tăng trưởng đáng kể, với tốc độ tăng trưởng 23,1% ở Nhật Bản, 37,9% ở Hàn Quốc, 22,1% ở Mỹ và 43,8% ở châu Âu.
Các quốc gia sản xuất xe điện khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu có thể thu hút đầu tư và tăng thị phần trong thị trường xe điện toàn cầu khi các nhà sản xuất chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, các quốc gia này cần có năng lực sản xuất và công nghệ đủ để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. Giá xe điện có thể tăng cao trên toàn cầu do sự thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng và kìm hãm tốc độ phát triển của thị trường xe điện toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Global Times, ông Xiang Jiang, Giám đốc Trung tâm khảo sát hợp tác quốc tế ô tô kỹ thuật số của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEE), một tổ chức phi chính phủ, đã chỉ ra rằng hầu hết xe điện từ Trung Quốc đến Mỹ đều được sản xuất trong các nhà máy Trung Quốc của các thương hiệu Mỹ. Việc Chính phủ Mỹ tăng thuế sẽ mang lại thiệt hại lớn hơn cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ.
Trung Quốc đã chỉ trích và cam kết thực hiện “các biện pháp kiên quyết” để bảo vệ lợi ích của mình. Nước này cho rằng các biện pháp tăng thuế này là phản tác dụng và gây tổn hại cho cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.