Sáng 6/5, CTCP Gỗ An Cường (Mã: ACG) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 theo hình thức trực tuyến.
Theo ban lãnh đạo, diễn biến thực tế năm 2023 có nhiều khác biệt so với dự báo ban đầu của công ty. Nhiều khó khăn chung của nền kinh tế không được cải thiện, thậm chí còn có chiều hướng diễn biến xấu hơn so với 2022, ảnh hưởng đến thu nhập của đa số người dân, hệ quả là thắt chặt chi tiêu và giảm tổng cầu.
Năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận 3.761 tỷ đồng, giảm 16% so với 2022, thực hiện 90% kế hoạch điều chỉnh. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 437 tỷ đồng giảm 29% so với 2022 và thực hiện 91% kế hoạch điều chỉnh.
Trong năm qua, An Cường tiếp tục tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh vật liệu, giải pháp và nội thất làm bằng gỗ công nghiệp. Công ty tiếp tục thâm nhập thị trường Mỹ ở mảng dự án và bán lẻ. Công ty cũng đã khai trương showroom tại Thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia.
Về phân phối lợi nhuận, An Cường dự kiến chia cổ tức đợt 2 năm 2023 tỷ lệ 8% (1 cp nhận 800 đồng), tương ứng với số tiền dự chi 120 tỷ đồng. Trước đó quý IV/2023 công ty đã thanh toán tạm ứng cổ tức đợt 1 tỷ lệ 7%.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.785 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 440 tỷ đồng, tăng dưới 1% so với thực hiện 2023. Tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt dự kiến đạt tối thiểu 15% bằng tiền và/hoặc cổ phiếu.
Ban lãnh đạo cho biết vẫn tập trung với hoạt động kinh doanh cốt lõi là lĩnh vực gỗ và vật liệu gỗ công nghiệp ở phân khúc trung và cao cấp. Công ty chú trọng chất lượng hoạt động và hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, đảm bảo sự sẵn sàng của mạng lưới phân phối ngay khi nền kinh tế phục hồi và nhu cầu đối với hàng hóa của An Cường tăng trở lại.
PHIÊN THẢO LUẬN:
Ban lãnh đạo nhận định thị trường gỗ, xuất nhập gỗ khẩu năm 2024 và triển vọng năm 2025? Công ty tập trung phát triển vào phân khúc nào?
Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Đức Nghĩa: Thị trường gỗ bắt đầu phục hồi năm 2024. Đơn hàng của An Cường đang rất nhiều đến tháng 11, các nhà máy đang chạy công suất cao. Tôi kỳ vọng xuất khẩu năm nay sẽ khởi sắc, khi thị trường Mỹ đã tốt trở lại. Dự báo 2025-2026 sẽ tốt hơn nhiều.
Chia sẻ công suất hoạt động các nhà máy năm 2023? Nếu các nhà máy hoạt động hết công suất thì doanh thu có thể đạt bao nhiêu? Ban lãnh đạo làm gì để các nhà máy có thể đạt tôi đa công suất?
Ông Lê Đức Nghĩa: Các nhà máy đang chạy khoảng 70% công suất, riêng nhà máy xuất khẩu đang 110% công suất, hiện phải đi gia công bên ngoài thêm. Trước tết, công ty có đi triển lãm ở Mỹ, ký được hợp đồng gần 20 triệu USD (khoảng 500 tỷ đồng) ván cửa, ván tủ bếp cho các dự án. Xuất khẩu đang tốt. Tuy nhiên nhà máy cửa đang chỉ chạy 65% công suất vì nội địa chưa có nhiều nhu cầu. Nhà máy ván sàn cũng chỉ chạy 40% công suất. Nhà máy gỗ công nghiệp đang chạy 65% công suất.
Ước tính nếu các nhà máy chạy hết công suất thì doanh thu khoảng 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quan trọng hơn là biên lợi nhuận.
Doanh thu 6.000 tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận 2-3% sẽ rất khác so với 12-13%. Thậm chí nếu có đơn hàng 8.000 – 9.000 tỷ đồng công ty vẫn có thể đi gia công bên ngoài, không vội vàng mở thêm nhà máy để chịu khấu hao.
Công ty đã và đang làm nhiều cách để mở rộng thị phần, lấy thêm đơn hàng. Tuy nhiên, tình hình thị trường đang yếu. An Cường có 3 mảng thì xuất khẩu và bán lẻ đang tốt, nhưng mảng dự án gần như đứng lại, coi như mất đi 1/3 doanh thu lợi nhuận từ mảng dự án. Công ty đang tập trung vào mảng xuất khẩu, hy vọng 2025 xuất khẩu sẽ tăng trưởng gấp đôi, quý I đã tăng khoảng 30-40%.
Nhiều chuyên gia dự báo thị trường 2024 sẽ hồi phục và đơn hàng trở lại. Vì sao An Cường đặt kế hoạch kinh doanh 2024 đi ngang?
Ông Lê Đức Nghĩa: Kế hoạch này xây dựng vào đầu năm. Vào cuối năm ngoái, các tổ chức trên thế giới đều đưa ra nhận định 2024 còn khó khăn, tăng trưởng bằng hoặc kém hơn 2023. Do đó, chúng tôi đặt kế hoạch 2024 đi ngang.
Tuy nhiên, thực tế quý I An Cường ghi nhận tăng trưởng khả quan. Công ty sẽ quan sát quý II như thế nào, nếu tốt sẽ điều chỉnh kế hoạch.
Ai cũng hy vọng 2024 tốt nhưng thực sự tình hình chung thế giới theo tôi còn xấu. Thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh xảy ra… rất mệt mỏi. Theo tôi 2024 có thể vẫn chưa tốt, đến 2025-2026 mới khả quan.
Hiện một số khoản đầu tư tài chính đang gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn? Ban lãnh đạo có dự định thay đổi nguyên tắc đầu tư tài chính?
Ông Lê Đức Nghĩa: Các năm trước công ty là đối tác của Novaland (Mã: NVL) thì chúng tôi có đầu tư, mua một ít nhà của Novaland, được cam kết lợi nhuận, tức An Cường là người mua nhà chứ không phải nhà thầu cho họ. Novaland đã trả 10% và kế hoạch tháng 6 tới sẽ trả tiếp, theo thông tin họ truyền thông.
Đây là khoản đầu tư một lần. Công ty vẫn tập trung vào gỗ, chứ không mang nhiều tiền đi đầu tư tài chính.
Tình hình kinh doanh 2024 có dấu hiệu khởi sắc. Công ty có dự định tăng tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt năm 2024 lên khoảng 20-25% không?
Ông Lê Đức Nghĩa: Công ty sẽ cố gắng. Trong bối cảnh kinh doanh còn khó khăn, vừa chia cổ tức tiền mặt và cổ phiếu, có nhưng đơn vị nhiều năm chẳng chia đồng nào nhưng công ty cam kết vẫn chia hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tôi cũng mong muốn chia để tôi có tiền (ông Nghĩa cùng công ty liên quan sở hữu hơn 50% vốn ACG – PV).
Hy vọng sang năm tình hình bất động sản ổn định lại rồi, dòng tiền về tốt hơn nữa thì chúng tôi sẽ tăng khoản chi cổ tức lên.
Tình hình kinh doanh của các điểm phân phối mới năm 2023 như thế nào? Biên lợi nhuận gộp năm nay có cải thiện hay không?
Ông Lê Đức Nghĩa: Hiện sản phẩm của công ty đã mặt ở 63 tỉnh thành. Công ty tạm thời không mở rộng thêm nữa, mà chuyển sang chất lượng, khai thác tối đa ở các điểm bán hàng hiện tại. Tình hình đang tốt, biên lợi nhuận đang tăng lên. Quý I doanh thu không tăng nhưng lợi nhuận đã gấp đôi nhờ siết các chi phí, bỏ đi các đơn hàng lợi nhuận thấp, tập trung các đơn hàng cao cấp, lợi nhuận tốt hơn.
Có phải việc hợp tác với Sumitomo giúp cải thiện tình hình xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm 2204 không?
Ông Lê Đức Nghĩa: Có nhưng không nhiều. Kết quả 2024 đến từ việc công ty tham dự triển lãm, tham gia vào sản phẩm phù hợp với thị trường Mỹ. Các sản phẩm phẩm phía Sumitomo thì theo phong cách Nhật, trong khi nhà máy của An Cường thiết kế theo hàng phong cách châu Âu. Làm nhiều cho Nhật thì phải điều chỉnh máy móc, cách làm… Công ty vẫn tập trung vào sản phẩm châu Âu, bán vào Mỹ. Xu hướng tiêu thụ tại Mỹ đang có chuyển từ hàng classic (cổ điển) sang hiện đại.
Công ty đánh giá như thế nào về các tiêu chuẩn môi trường trên thị trường quốc tế và trong nước hiện nay? Các tiêu chuẩn này tác động ra sao đến mảng gỗ công nghiệp và công ty?
Ông Lê Đức Nghĩa: Đây là bài toán khá hóc búa. Các tổ chức mua hàng bây giờ đặt tiêu chuẩn về môi trường lên rất cao. May mắn là An Cường đã có chuẩn bị và hiện đã có ESG, các tiêu chuẩn An Cường đã đạt khoảng 85% rồi.
Tháng 3 vừa qua công ty cũng là đơn vị hiếm hoi được cấp giấy phép chứng nhận về môi trường. Cuối tháng 4 công ty cũng vừa được cấp chứng nhận ISO về khí thải nhà kính, tức đo mức khí CO2 thải ra bên ngoài, từ đó tính toán mua bao nhiêu tín chỉ carbon để tiến đến net-zero. Bên cạnh đó, các cổ đông nước ngoài như VinaCapital, Sumitomo… nắm đến 40% vốn công ty, họ cũng yêu cầu thực hiện tốt các vấn đề về môi trường, ESG.
Vì sao không tập trung tại thị trường Mỹ mà mở thêm showroom tại Campuchia?
Ông Lê Đức Nghĩa: Thị trường Mỹ rất lớn, tập trung vào Mỹ là đúng. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua thị trường Lào, Campuchia. Năm 2023, doanh thu tại Campuchia được khoảng trăm tỷ, Lào cũng vài chục tỷ đồng. Tôi thấy người dân ở đây có nhiều nét tương đồng với Việt Nam ngày xưa, người giàu họ chọn những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất.
Tập trung vào Mỹ, nhưng mà thị trường xung quanh bán được hàng thì tại sao lại không bán. An Cường cũng đang mở rộng xuất khẩu thêm vào Malaysia, Singapore.
Trước đây, An Cường dự định tập trung vào các thị trường lớn là Mỹ, Nhật, Australia, Canada… Tuy nhiên, giờ công ty chỉ tập trung vào Mỹ. Các thị trường nhỏ xung quanh vẫn bán bình thường.
Hiện nay việc bán hàng trên các nên tảng thương mại điện từ và các kênh như TikTok đang khá sôi động. Thế hệ trẻ cũng có kinh tế hơn. Công ty có kế hoạch gì để đẩy mạnh trên các kênh này?
Ông Lê Đức Nghĩa: Chúng tôi có bộ phận để làm vấn đề này. Công ty hiện có cả trăm showroom, nhượng quyền và cả đối tác trên toàn quốc. Khách hàng tương lai có thể sẽ không đi đến trực tiếp nhiều nữa. Công ty đang tập trung các giải pháp số hóa để khách hàng có thể ở nhà, tự thiết kế, hoặc vào website của An Cường xem catalogue online, showroom online…
Liệu biên lợi nhuận mảng xuất khẩu có cải thiện trong các năm tiếp theo?
Ông Lê Đức Nghĩa: Hiện biên lợi nhuận mảng này đang tốt. Khi đẩy càng nhiều hàng thì biên lợi nhuận sẽ dần tăng lên. Xuất khẩu bao gồm nội thất. Công ty có nhà máy nội thất, trước đây chia cho cả nội địa nhưng bây giờ dồn hết cho xuất khẩu.
Cuộc họp kết thúc với việc thông qua tất cả tờ trình.