Ngày 27/5, Bkav GPT – thành viên của tập đoàn Bkav, công bố phát triển thành công trợ lý số thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI). Sản phẩm này hướng tới đối tượng khách hàng là các cơ quan, tổ chức chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn.
Theo giới thiệu, Bkav GPT có thể thay thế công việc quản lý loại văn bản, nghị định, nghị quyết… của trợ lý thật. Bkav GPT có thể giao tiếp tự nhiên bằng ngôn ngữ tiếng Việt và người dùng có thể hỏi mọi vấn đề. “Trợ lý số sẽ ngay lập tức đưa ra đáp án một cách nhanh chóng, chính xác nhất, thậm chí còn nhanh chóng và chính xác hơn khi hỏi trợ lý lâu năm”, phía công ty của ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định.
Chia sẻ thêm về sản phẩm AI mới, ông Trần Nhân Anh, CEO Bkav GPT nói “AI là yếu tố then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được ví như phát minh ra điện, internet có thể thay đổi thế giới, thay đổi mọi phương thức sản xuất. Trợ lý số là sản phẩm tiên phong giúp mọi người tiếp cận gần hơn với công nghệ AI”.
Tháng 1 năm nay, Bkav đã thành lập CTCP Bkav GPT, đặt trụ sở tại Hà Nội, đăng ký 25 ngành nghề, trong đó hoạt động chính là ngành mảng xuất bản phần mềm (trừ xuất bản phẩm).
Vốn điều lệ của doanh nghiệp là 1 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Tử Quảng nắm 98% cổ phần. Số cổ phần còn lại thuộc về ông Nguyễn Tử Hoàng (1%) và ông Nguyễn Tử Quang (1%). Đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc của là ông Trần Nhân Anh, sinh năm 1987, trú tại Hải Phòng.
Việc thành lập doanh nghiệp và ra mắt trợ lý số đánh dấu sự gia nhập của Bkav vào thị trường mô hình chatbot AI, cạnh tranh cùng ChatGPT của OpenAI hay Gemini của Google. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, hiện Bkav đang phát triển hai sản phẩm, gồm: AI View Platform và AI View Cloud. Trong khi đó, công ty đã ra mắt hai phần mềm ứng dụng AI trong diệt virus gồm Bkav Pro AI và Bkav Endpoint AI (dành cho tổ chức, doanh nghiệp).
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bkav, tập đoàn đã giải thể đơn vị chuyên sản xuất điện thoại Bphone vào tháng 5/2022. Theo giải thích từ ông Nguyễn Tử Quảng, việc giải thể này để tái cơ cấu, sáp nhập nhằm tối ưu hoạt động.
Trong khi đó, hạt nhân của tập đoàn là CTCP Phầm mềm diệt virus Bkav (Bkav Pro) ghi nhận năm 2023 với kết quả kinh doanh không tích cực, lợi nhuận giảm hơn nửa so với năm trước đó, theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Lợi nhuận sau thuế của Bkav Pro trong năm 2023 đạt hơn 18,6 tỷ đồng, con số này năm 2022 là 39,3 tỷ đồng. Như vậy, Bkav Pro đã giảm gần 53% lợi nhuận trong năm ngoái. Trước đó, tháng 5/2021, Bkav Pro được đưa ra làm tài sản đảm bảo để tập đoàn Bkav phát hành lô trái phiếu trị giá 170 tỷ đồng, lãi suất coupon với năm đầu cố định 10,5%/năm.
Tính đến 31/12/2023, Bkav đã có ba lần thanh toán gốc lãi trái phiếu với tổng giá trị giao dịch là hơn 28,6 tỷ đồng. Như vậy, dư nợ trái phiếu của Bkav hiện đang là 168,7 tỷ đồng. Khoản nợ trái phiếu này sẽ đáo hạn vào tháng 5 này.