Reuters đưa tin, nhà sản xuất xe điện Mỹ Fisker đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào cuối ngày 18/6, nhằm cứu vãn hoạt động kinh doanh của mình bằng cách bán tài sản và tái cấu trúc nợ sau khi đốt tiền để tăng tốc sản xuất mẫu xe SUV Ocean.
Thị trường xe điện cạnh tranh khốc liệt đã chứng kiến một số công ty, bao gồm Proterra, Lordstown và Electric Last Mile Solutions, nộp đơn xin phá sản trong hai năm qua do phải vật lộn với nhu cầu giảm sút, khó khăn trong huy động vốn và những thách thức vận hành do các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngay từ tháng 2 năm nay, công ty được thành lập bởi nhà thiết kế ô tô Henrik Fisker, đã bày tỏ lo lắng về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh và sau đó Fisker không thể đảm bảo khoản đầu tư từ một nhà sản xuất ô tô lớn, buộc họ phải hạn chế hoạt động.
Sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán với nhà sản xuất ô tô – được Reuters cho biết là Nissan – đồng nghĩa với việc Fisker bị từ chối khoản tài trợ 350 triệu USD và buộc Fisker phải tìm kiếm các lựa chọn khác.
“Giống như các công ty khác trong ngành xe điện, chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường và kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hiệu quả”, ông Fisker nói.
Trong hồ sơ xin phá sản theo Chương 11, Fisker Group ước tính tài sản từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD và nợ phải trả từ 100 triệu USD đến 500 triệu USD. 20 chủ nợ lớn nhất của hãng bao gồm Adobe, Google của Alphabet và SAP.
Cuối năm 2020, Fisker niêm yết trên sàn chứng khoán thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC), định giá công ty ở mức 2,9 tỷ USD và bơm hơn 1 tỷ USD tiền mặt vào bảng cân đối kế toán.
Lần niêm yết này là cơ hội thứ hai để CEO và người sáng lập người Đan Mạch xây dựng lại doanh nghiệp ô tô sau khi dự án đầu tiên của ông, Fisker Automotive, phá sản vào năm 2013 do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và lỗi pin trên mẫu xe hybrid Karma dẫn đến đợt triệu hồi ồ ạt.
Henrik Fisker – cựu giám đốc tư vấn thiết kế cho Tesla – từng tuyên bố vào thời điểm niêm yết rằng Fisker muốn trở thành Apple của ngành công nghiệp ô tô bằng cách thuê ngoài việc sản xuất xe. Mô hình này nhằm mục đích giảm thời gian phát triển cho xe và giảm chi phí để đưa phương tiện ra thị trường.
Tuy nhiên, mẫu SUV Ocean của hãng lại gặp phải nhiều vấn đề về phần mềm và phần cứng, tổ chức phi lợi nhuận uy tín Consumer Reports gọi chiếc xe này là “dự án dang dở”. Xe cũng đang bị điều tra theo quy định về các vấn đề phanh xe, sự cố chuyển số vào chế độ đỗ và các chế độ khác, cùng với lỗi thỉnh thoảng cửa xe không mở được.
Sau khi chỉ giao chưa đến một nửa trong số hơn 10.000 xe được sản xuất vào năm ngoái, Fisker đã chuyển sang mô hình phân phối dựa trên đại lý vào tháng 1, từ bỏ cách tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng do Tesla tiên phong.
Hãng đã ký kết hợp đồng với 15 địa điểm đại lý ở Mỹ và 12 đối tác ở châu Âu, nhưng vẫn không thể giải phóng hết lượng tồn kho hơn 5.000 xe. “Fisker đã phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính trong nhiều tháng nay, vì vậy thông báo ngày hôm nay không có gì đáng ngạc nhiên. Đây không phải là công ty khởi nghiệp xe điện đầu tiên tuyên bố phá sản và chúng tôi không nghĩ đây sẽ là công ty cuối cùng”, Garrett Nelson, Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích vốn chủ sở hữu tại CFRA Research nhận xét.