Rest of World đưa tin ở Đông Nam Á, nơi dân số đang già hóa nhanh chóng, công việc theo giờ đã trở thành một cơ hội hiếm có cho những người lao động đã nghỉ hưu để kiếm sống và duy trì sự năng động. Nhưng trong khi các công ty lớn như Grab, GoTo và Sea đều đặt ra giới hạn độ tuổi cao nhất cho người lao động của họ, từ 55 đến 70 tuổi. Giới hạn độ tuổi dường như không liên quan đến các quy định địa phương, khác nhau giữa các quốc gia và nền tảng.
Ông Minh, 63 tuổi, đã không gặp khó khăn gì khi đăng ký tài xế ShopeeFood ở TP HCM cách đây 4 năm, mặc dù nền tảng này quy định độ tuổi tối đa là 55 tuổi. Nhưng với vợ con và cháu nhỏ cần nuôi dưỡng, giờ đây ông lo lắng bị loại khỏi nền tảng. Số lượng đơn hàng giảm do kinh tế suy thoái và số lượng tài xế công nghệ ngày càng tăng, ông Minh gần đây đã cố gắng kiếm thêm thu nhập bằng cách đăng ký làm tài xế Grab. Tuy nhiên, do giới hạn độ tuổi của nền tảng, ông đã không thành công.
Ông Minh cho biết: “Nếu ShopeeFood cho tôi nghỉ việc vì tuổi tác, thì tôi chấp nhận, tôi còn có thể làm gì khác? Tôi có thể cố gắng xin họ rằng tôi đã làm việc cho họ lâu rồi, sức khỏe tôi tốt, tôi không vi phạm quy tắc”. Nhưng cuối cùng, ông nói, đó là quyết định của công ty. “Nếu họ giữ tôi lại, thì tốt; nếu không, thì cũng được thôi. Tôi không biết mình có thể làm công việc nào khác”.
Một số tài xế lớn tuổi khác cho biết quy định cứng nhắc dựa trên tuổi là không công bằng. “Họ không dùng lý trí để xem xét tài xế nên hoạt động như thế nào”, bà Vettivelu – một tài xế 5 sao cho biết. “Họ nên xem xét tình trạng sức khỏe của người đó, cách người đó lái xe và mức độ cẩn thận khi chở khách”.
Những người khác thì lại cởi mở hơn về giới hạn độ tuổi. “Bảy mươi tuổi thì đã quá già rồi – ai có thể lái xe đến 70 tuổi chứ?”, ông Trần Thanh, tài xế xe ôm Gojek 64 tuổi ở TP HCM cười nói.
Ở Việt Nam, giới hạn độ tuổi tài xế xe máy của Grab là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ; tài xế ô tô bị giới hạn ở 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. ShopeeFood của Sea Group chỉ chấp nhận người lao động đến 55 tuổi. GSM, công ty gọi xe thuần điện do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập, có giới hạn độ tuổi là 55 đối với tài xế taxi ô tô và 60 đối với tài xế xe ôm. Be, nền tảng gọi xe và giao hàng, không có giới hạn độ tuổi, còn Gojek thì giới hạn ở mức 70 tuổi.
Grab từ chối bình luận về các trường hợp riêng lẻ nhưng xác nhận họ không tiếp nhận tài xế mới vượt quá giới hạn độ tuổi quy định. “Đối với các đối tác tài xế hiện tại chạm đến giới hạn độ tuổi quy định, Grab sẽ chăm sóc họ như một phần trong danh sách tài xế lớn tuổi, kiểm tra sức khỏe và hiệu suất làm việc thường xuyên”, người phát ngôn của công ty cho biết.
“Gojek đặt ra giới hạn độ tuổi cho các đối tác tài xế nhằm tối đa hóa tiêu chuẩn an toàn”, người phát ngôn của Gojek Việt Nam chia sẻ. “Giới hạn này cho phép những người đang ở độ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn khỏe mạnh có thêm cơ hội kiếm thêm thu nhập”.
GSM đặt ra giới hạn độ tuổi dựa trên “chuẩn mực thị trường”, theo đó “phần lớn tài xế taxi và xe ôm lần lượt dưới 55 và 60 tuổi”, ông Nguyễn Văn Thanh, CEO toàn cầu của công ty, chia sẻ. “GSM thiết lập các quy tắc phù hợp với những chuẩn mực thị trường này vì tài xế cần có sức khỏe tốt để tham gia giao thông”. Ông Thanh cho biết khoảng 3% tài xế xe ôm của GSM trên 50 tuổi và công ty sẽ gia hạn hợp đồng cho những tài xế quá tuổi “tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của họ, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải”.
ShopeeFood và Be không trả lời yêu cầu bình luận.
“Nếu bạn xem các điều khoản trong luật lao động của Việt Nam, các nền tảng thực sự không vi phạm bất kỳ điều gì” khi đặt ra giới hạn độ tuổi, ông Giang Thanh Long, nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nói.
Giới hạn độ tuổi không chỉ áp dụng cho các nền tảng việc làm theo giờ. Một số hãng taxi truyền thống ở Việt Nam còn duy trì các hạn chế khắt khe hơn, chỉ tuyển dụng tài xế đến 50 tuổi.
Điều này một phần là do, không giống như các nền tảng việc làm theo giờ, các hãng taxi truyền thống trong nước ký hợp đồng lao động với tài xế và theo luật định phải đóng bảo hiểm xã hội và y tế. “Tuổi càng cao thì nguy cơ tai nạn càng lớn”, ông Giang Thanh Long nói.
Chuyển sang làm việc cho các nền tảng đã cho phép tài xế taxi ở độ tuổi sáu mươi tiếp tục làm việc, theo Quyết Nguyễn, người điều hành một đại lý giúp tài xế đăng ký với các nền tảng trực tuyến cho hay.
Ông Huỳnh Thanh Long, 51 tuổi, ở TP HCM, muốn làm việc cho một hãng taxi hoặc hợp tác xã sau khi ông phải nghỉ việc cũ tại xưởng nhôm kính do tai nạn nghề nghiệp. Nhưng tất cả đều từ chối ông vì tuổi tác đồng nghĩa với chi phí bảo hiểm cao. Hiện tại, ông chở khách và giao đồ ăn bằng xe máy cho Be – nền tảng không giới hạn độ tuổi. Nhưng sức lực và thời tiết mưa gió ở TP HCM đang ảnh hưởng đến ông, khiến ông cố gắng tiết kiệm tiền để mua một chiếc xe tải nhỏ và chuyển sang làm việc cho nền tảng giao hàng Lalamove.
Ông Lê Tám, 61 tuổi, cũng chở khách bằng xe máy cho Grab tại TP HCM. Sau khi xuất hiện GSM, ông Tám muốn chuyển sang đó. “Họ chỉ yêu cầu đặt cọc 8 triệu đồng. Tôi có bằng lái xe và tôi muốn một công việc nhẹ nhàng hơn”, ông nói. Nhưng ông nhanh chóng thất vọng vì GSM chỉ chấp nhận tài xế dưới 55 tuổi.
“Nếu tôi đăng ký với Grab bây giờ, họ sẽ hỏi về tuổi của tôi”, ông Tám nói. Nhưng vì đã gắn bó với nền tảng gần một thập kỷ, ông tin Grab sẽ không loại mình vì “họ coi trọng lòng trung thành”. Thỉnh thoảng Grab kiểm tra sức khỏe và tặng ông thực phẩm chức năng, nhưng ông không nghĩ những ưu đãi này liên quan đến tuổi tác.
Vào sinh nhật lần thứ 75, ba năm trước, khi bà Rasamany Vettivelu mở ứng dụng tài xế Grab, bà không hề nhận được lời chúc mừng. Thay vào đó, siêu ứng dụng này thông báo họ chấm dứt hợp đồng với bà: Bà đã quá già để làm việc trên nền tảng của họ. Thực tế, bà đã quá tuổi lao động. Giới hạn độ tuổi của tài xế Grab ở Malaysia là 69 tuổi trong khi bà Vettivelu gia nhập nền tảng này khi đã 70 tuổi.
“Tôi khá thất vọng vì không thể nhận được cuốc xe nào từ Grab trong khi tôi đã cung cấp dịch vụ hiệu quả cho họ”, bà Vettivel – tài xế công nghệ sống ở Kuala Lumpur, nói. “Tôi đã nói, làm sao họ có thể đơn giản là dừng hợp đồng với tôi mà không thông báo và cho tôi thời gian chuẩn bị?”.
Vettivelu đã khiếu nại và câu chuyện của bà trở thành tâm điểm tin tức ở Malaysia, nơi bà được mọi người biết đến với cái tên “Bà dì Grab”. Ông Wee Ka Siong, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia, đã đích thân gọi điện cho bà Vettivelu để đảm bảo ông sẽ xem xét vấn đề. Sau đó, ông nói với truyền thông địa phương rằng chính phủ không có giới hạn độ tuổi tối đa đối với tài xế công nghệ và các nền tảng nên linh hoạt hơn.
Những tài xế lớn tuổi cho biết các nền tảng này không chỉ là phương cách kiếm tiền – chúng còn mang đến cho họ cơ hội duy trì các tương tác xã hội và sự năng động. Đối với bà Vettivelu ở Malaysia, lái xe không chỉ là một công việc mà còn là cách để bà ấy năng động và giảm bớt cảm giác cô đơn.
“Chính niềm yêu thích lái xe, thích gặp gỡ mọi người, trò chuyện với mọi người” đã thôi thúc bà đăng ký Grab. “Bởi vì, bạn biết đấy, nếu bạn ở nhà, bạn sẽ không nói chuyện với ai. Bạn chỉ ngồi trước TV 24 inch và lãng phí thời gian quý báu”.